Thu giữ hơn 13.000 sản phẩm dược mỹ phẩm xuất xứ Mỹ
Mỹ phẩm không nguồn gốc
Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa phối hợp lực lượng liên ngành kiểm tra, tạm giữ khoảng 13.000 sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu Obagi và Zo tại một căn nhà ở quận Tân Phú. Chủ hàng đồng thời là chủ nhà khai nhận, toàn bộ số mỹ phẩm trên được mua trôi nổi trên thị trường.
Nơi tập kết số lượng lớn mỹ phẩm trôi nổi là căn nhà 5 tầng, có địa chỉ tại 2A Lê Niệm, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú. Lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị liên quan đã kiểm tra, phát hiện trên 13.000 sản phẩm mỹ phẩm.
Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn mỹ phẩm các loại như: dung dịch tẩy da chết, kem trị mụn, kem phục hồi da, kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt, nước hoa Hồng, serum cấp nước dưỡng ẩm phục hồi da, kem dưỡng ẩm trắng da mờ nám, bộ peel thay da sinh học, kem chống nắng…thương hiệu Obagi và Zo, xuất xứ Mỹ.
Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp đối với số lượng mỹ phẩm trên. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa thực hiện đăng ký kinh doanh mặt hàng theo quy định. Lô hàng đã bị tạm giữ để tiếp tục xác minh, làm rõ các yếu tố vi phạm.
Theo Quản lý thị trường TP.HCM việc tiếp cận là không dễ dàng, bởi ngôi nhà thường xuyên trong tình trạng "cửa đóng then cài", "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Đến chiều tối ngày 26/8, một xe máy trong trang phục của grab dừng xe trước cửa, không lâu sau đó, thành viên trong ngôi nhà đã mở cửa và giao cho tài xế một thùng carton nghi chứa hàng, được đóng gói kỹ. Lực lượng chức năng TP. HCM đã bất ngờ ập vào kiểm tra.
Theo tìm hiểu, cơ sở này chủ yếu hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Riêng trên zalo, chủ cơ sở sử dụng trên 100 tài khoản với các tên gọi khác nhau, điển hình như: "CTV - Sỉ Dược Mỹ Phẩm - OBG-Nhóm 3"; "Tổng Sỉ Dược Mỹ Phẩm HCM"; "Tổng Kho MỸ PHẨM NO.6"; "Bs Thanh Trà"; "Đổ Buôn Mỹ Phẩm - Lan Cosmetic". Đặc biệt, toàn bộ các sản phẩm được giới thiệu, quảng bá trên website: www.obagi.vn.
Các sản phẩm mỹ phẩm Obagi, Zo đang làm mưa làm gió trên thị trường, được nhiều tín đồ skincare lựa chọn chăm sóc da. Sản phẩm của nhãn hàng này có giá bán hàng chục triệu đồng/bộ sản phẩm trẻ hoá da hoặc trị nám.
Tràn lan các loại mỹ phẩm trên chợ mạng. |
Tiền mất tật mang
Chị Lê Thị Hồng Anh – 29 tuổi, trú tại TP.HCM chia sẻ sau khi thấy thông tin này bản thân chị cũng lo sợ vì chị đã sử dụng mỹ phẩm Obagi hơn 1 năm qua. Với chất lượng sản phẩm trôi nổi như hiện nay, giá lại rẻ hơn sản phẩm nhập khẩu qua kiểm định nên rất nhiều người đã mua sản phẩm này mà không biết.
Chị Hồng Anh cho biết đây là dược mỹ phẩm nhưng các sản phẩm này dùng không hề dễ dàng, dễ gây kích ứng nếu mua phải sản phẩm trôi nổi còn nguy hiểm hơn.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết hoạt động quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến.
Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Mỹ phẩm giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất khá tinh vi, rất khó để phân biệt, tuy nhiên trên các “khu chợ mạng” hình ảnh sản phẩm thật được các đối tượng sử dụng, quảng cáo để bán sản phẩm giả, xâm phạm quyền.
Ông Lê cho biết mỹ phẩm giả có nguồn gốc nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng. Có những cơ sở vi phạm có đầy đủ các dụng cụ, máy móc pha chế, đóng gói, dán nhãn để sản xuất hàng giả.
Theo thống kê từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, gần đây, số trường hợp đến khám tại BV liên quan đến biến chứng từ sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tăng cao.
Bác sĩ Nguyễn Duy Quân, Khoa Thẩm mỹ da, BV Da liễu TP.HCM chia sẻ có nhiều bệnh nhân tới khám khi da bị mẩn đỏ, kích ứng thậm chí bong tróc, nổi mụn nước. Bệnh nhân là nhóm đối tượng trẻ từ 20 – 30 tuổi muốn trị muộn và tuổi 40 – 50 tuổi muốn trắng da nhanh chóng. Họ đều có chung đó là mua sản phẩm trên mạng theo quảng cáo của người bán mà không rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm như thế nào.
Nhiều lọ mỹ phẩm được bệnh nhân mang tới bác sĩ còn giật mình đó là những loại mỹ phẩm kém chất lượng thường chứa đựng trong những chai lọ rất thô sơ, nhiều màu sắc, không đầy đủ thông tin như thành phần, hàm lượng, nguồn gốc xuất xứ… được gắn mác xách tay, thảo dược.
BS Quân khuyến cáo người tiêu dung muốn sử dụng mỹ phẩm nên cân nhắc, hiểu rõ tình trạng da để chọn sản phẩm phù hợp. Nên chọn thương hiệu uy tín, được kiểm duyệt và chứng nhận bởi cơ quan chức năng. BS Quân cho biết tốt nhất nên đến thăm khám với bác sĩ chuyên ngành để được tư vấn chọn mỹ phẩm phù hợp, tránh tiền mất tật mang.
K.Chi