Thu giá BOT là gì?
Về khái niệm “thu giá” lần đầu xuất hiện thay cho khái niệm "thu phí" đã sử dụng lâu nay, trả lời báo chí, lãnh đạo vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải, cho biết cả hai thuật ngữ trên đều chỉ việc thu phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho các dự án BOT giao thông.
Thu giá BOT và thu phí BOT có gì khác nhau? là câu hỏi của nhiều người |
Trước đó, từ ngày 1.1.2017 trở về trước, tất cả các dự án có thu phí BOT đều dùng khái niệm “thu phí”. Theo đó, thẩm quyền quyết định mức phí thuộc về Bộ Tài chính và mỗi dự án sẽ có một thông tư riêng về việc thu phí, mức phí cũng như lộ trình tăng phí.
Từ sau ngày 1.1.2017, khi luật phí và lệ phí chính thức có hiệu lực, và khái niệm thu phí BOT được chuyển thành “thu giá” BOT và thẩm quyền quyết định được giao về cho Bộ GTVT.
Theo lý giải của vị này, do quyền quyết định thu giá BOT được chuyển về cho Bộ GTVT nên thời gian qua Bộ này đã có thẩm quyền quyết định giảm giá (giảm phí) cho các dự án BOT, còn trước đó, Bộ GTVT không quyết được việc giảm phí hay miễn phí.
Đó là lý giải của người trong ngành giao thông.
Tuy nhiên do thời gian qua Bộ GTVT vẫn dùng khái niệm này nhưng chưa giải thích rõ về bản chất việc thay đổi cách dùng thu giá - thu phí nên đã có không ít ý kiến cho rằng có sự nhập nhằng giữa hai khái niệm thu phí - thu giá.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, hiện nay Bộ đang đẩy mạnh việc lắp đặt thiết bị để thu phí tự động không dừng. Hiện tại đã có mười mấy trạm có thu tự động nhưng hiện tại có xe dán, có xe chưa dán tem, mà chưa biết cách nạp tiền thế nào để sử dụng.
Một trong những việc quan trọng nhất là phải dán tem càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó các doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ thật nhanh. Đến cuối năm nay, theo lộ trình là toàn bộ trạm thu giá BOT trên quốc lộ 1 là phải thu tự động hết. Đến năm 2019 là trên toàn quốc luôn, tất cả trạm phải thu phí tự động toàn bộ.