Thống đốc Lê Minh Hưng: Tín dụng cho BOT chiếm 1,5% tổng dư nợ
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, ứng xử với tiền ảo là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Có một số nguyên tắc, cách thức để quản lý việc này. Một số nước cấm tuyệt đối, một số nước không thừa nhận và họ cũng đã có những khuyến cáo về tiền ảo bitcoin, có rất ít quốc gia thừa nhận bitcoin là phương tiện thanh toán.
“Chúng tôi đã nhiều lần nói về việc này, bitcoin không phải là đồng tiền pháp định, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói. “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để có khung khổ pháp lý quản lý tài sản ảo, trong đó có bitcoin.”
Liên quan đến trường hợp ĐH FPT chấp nhận cho sinh viên trả tiền học phí bằng bitcoin, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định cho đến nay NHNN chưa nhận được đề xuất chi tiết, NHNN sẽ hướng dẫn để thực hiện đúng pháp luật Việt Nam nếu nhận được đề xuất.
Cũng trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, ĐB Trần Công Thuận (Quảng Bình) đặt câu hỏi về định hướng của NHNN trong việc cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định NHNN đã có chỉ thị toàn ngành thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với nợ xấu, áp dụng trong tất cả các đơn vị. Trong đó nội dung quan trọng là trình QH xem xét sửa đổi luật các TCTD. NHNN đã ban hành thông tư quy định việc góp vốn mua cổ phần, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để các NH hoạt động an toàn và bền vững hơn.
“Việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu và các NH yếu kém là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Nếu quyết tâm thực hiện các giải pháp trong Quyết định 1058 của Thủ tướng thì có thể có những kết quả tích cực, đảm bảo an toàn trong các TCTD”, Thống đốc khẳng định.
Về xử lý các NH yếu kém, Thống đốc cho rằng trong bối cảnh nguồn lực ngân sách khó khăn, phải có giải pháp huy động các NĐT kể cả NĐTNN có năng lực tài chính. Nhưng muốn mời gọi các NĐTNN phải có giải pháp đồng bộ, Nghị quyết 42 là một trong những giải pháp quan trọng nhất, là cơ sở để có thể hoàn thiện các phương án mời NĐTNN tham gia.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về lãi suất và cho vay đối với các lĩnh vực có mức rủi ro cao như BOT và BĐS, Thống đốc cho biết mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, từ 2011-2016 lãi suất huy động giảm 7-10%, lãi suất cho vay giảm 10-11%, lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ còn 8% đối với lĩnh vực ưu tiên.
“Vừa qua một số NH cho vay BOT, NHNN kiểm soát rất chặt chẽ với tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro như BĐS và BOT. Tỷ trọng tín dụng cho BOT chỉ chiếm 1,5%, cho dù nhu cầu vốn rất lớn. Tỷ trọng cho vay BĐS chỉ còn 6,5% trên tổng dư nợ.”
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về giải pháp huy động ngoại tệ và vàng trong dân. Thống đốc cho biết giải pháp căn cơ, bền vững và khả thi nhất là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập lòng tin của người dân, từ đó chuyển đổi sang VND để gửi tiền tiết kiệm hoặc trực tiếp đầu tư trên TTCK và kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước. Trước hết, phải tập trung vào việc ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hệ thống và hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đây là những mục tiêu xuyên suốt.
“Mục tiêu đầu tiên và xuyên suốt chính là bảo đảm giá trị của đồng Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như trong công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã tập trung nỗ lực để kiểm soát được lạm phát, ổn định giá trị của đồng Việt Nam”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Theo đánh giá của NHNN, trong thời gian vừa qua có nhiều mục tiêu và đôi khi các mục tiêu đấy cùng một lúc khó thực hiện. Nhưng trên thực tế, nhờ sự phối hợp, kết hợp rất chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đặc biệt giữa Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và một số Bộ, ngành trong điều hành chính sách vĩ mô, kinh tế Việt Nam đã dần đi vào ổn định, kiểm soát được lạm phát, kinh tế vĩ mô ổn định, giá trị đồng Việt Nam cũng được giữ ổn định, hoạt động của các tổ chức tín dụng đã an toàn hơn.