Thiếu vốn, dự án cấp thoát nước kêu gọi đầu tư tư nhân
Thiếu vốn, dự án cấp thoát nước kêu gọi đầu tư tư nhân
Lĩnh vực cấp thoát nước chưa thu hút nhà đầu tư |
Ông Nguyễn Hồng Tiến, Giám đốc Cục Hạ tầng kỹ thuật, thuộc Bộ Xây dựng cho biết, hệ thống thoát nước tập trung tại các thị trấn, thành phố lớn trên cả nước hiện đã cũ, không đồng bộ và đang xuống cấp trầm trọng. Công nghệ xử lý nước thì lạc hậu, quản lý còn nhiều yếu kém, đã có tình trạng nước thải, bùn nạo vét từ hệ thống thoát nước, chất thải từ hố xí tự hoại không qua xử lý đổ thẳng ra môi trường.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2015, nhu cầu sử dụng nước tại các đô thị, các khu công nghiệp trên cả nước vào khoảng 8,8 triệu m3/ngày đêm. Tương ứng với nhu cầu đó là đòi hỏi việc đầu tư cho hệ thống cấp nước, với tổng vốn đầu tư vào khoảng 63.500 tỷ đồng.
Trong đó, đầu tư xây dựng và mở rộng công suất các nhà máy nước vào khoảng 27.000 tỷ đồng, đầu tư phát triển mạng lưới đường ống cấp nước khoảng 32.000 tỷ đồng, cải tạo và thay thế mạng đường ống cũ chống thất thoát nước khoảng 4.500 tỷ đồng.
Đó là chưa kể đầu tư về thu gom và xử lý nước thải đô thị với tổng vốn đầu tư đến năm 2015 lên đến 122.000 tỷ đồng.
Ông Trần Tường Lân, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguồn vốn cho các dự án cấp thoát nước từ trước đến nay chủ yếu là vốn ODA và ngân sách Nhà nước.
“Hiện nhu cầu vốn là rất lớn, nhưng ngân sách Nhà nước lại rất hạn chế. Do vậy, định hướng trong thời gian tới là phải huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân”.
Ông Fumihiko Okiura, đại diện JICA Việt Nam, đơn vị thường xuyên hỗ trợ vốn vay ODA cho các dự án cấp thoát nước của Việt Nam nhận định, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư công thì không đủ khả năng để phát triển hạ tầng cấp thoát nước. Những đóng góp về vốn, năng lực, con người của khu vực tư nhân vào các dự án cấp nước là rất quan trọng. Ở nhiều nước trên thế giới, sự tham gia của tư nhân vào hoạt động phân phối nước, sử dụng công nghệ cao, xử lý nước rất mạnh mẽ.
Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng cho biết, hệ thống cấp nước toàn thành phố chia làm 6 vùng. Trong đó, có 4 vùng chưa triển khai công tác giảm thất thoát nước. Tính chung, tổng mức đầu tư vốn cho 4 vùng này ít nhất là 200 triệu USD. Để có vốn triển khai dự án, thành phố chủ trương mở cửa, kêu gọi mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư.
Tuy nhiên, trong nước, hoạt động cấp thoát nước lại chưa “hấp dẫn” các nhà đầu tư. Nguyên nhân là do tư nhân đầu tư vào cấp thoát nước không được hưởng nhiều ưu đãi như các công ty công, không được vay vốn ưu đãi.
Đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn còn cho biết, nhiều vấn đề về thuế, giá nước… trong đầu tư PPP vẫn chưa rõ ràng, khiến nhà đầu tư còn e ngại khi quyết định đầu tư.
Ngoài ra, giá nước sạch bị hạn chế bởi khung giá trần, vốn đầu tư dự án lớn, trong khi đó khả năng thu hồi vốn lại rất thấp, thu phí thoát nước khó khăn, nên các nhà đầu tư chưa mặn mà.
Theo ông Lân, để thu hút sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án cấp thoát nước trong thời gian tới, cần phải có những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Cụ thể, sửa đổi Nghị định 131/2006/NĐ-CP theo hướng có sự tiếp cận của các thành phần kinh tế tư nhân với nguồn vốn, nhằm phát huy khả năng huy động vốn của các thành phần kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, giãn các thủ tục kiểm soát thu chi ngân sách Nhà nước đối với nguồn vốn viện trợ, trao quyền nhiều hơn cho các chủ dự án.
Đặc biệt, phải ban hành quy chế chính thức và bổ sung lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải đô thị vào lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Duy Nguyên