Thiết kế chính sách hấp dẫn để thu hút và giữ chân "đại bàng" dài lâu
Trong khi các nền kinh tế thế giới giảm sâu, thậm chí là âm vì dịch bệnh, tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam tính đến ngày 20/8 đạt 19,54 tỉ USD, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào nước ta
Theo đánh giá của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư của thế giới năm 2020 có thể suy giảm tới 40%. Các nền kinh tế thế giới giảm sâu, thậm chí là âm.
Trong khi đó, theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20-8 vừa qua, tổng vốn FDI vào VN đạt 19,54 tỉ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực.
Xét trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đây là con số lạc quan.
Một gian hàng Việt Nam chất lượng cao tại Thái Lan. Ảnh: TTXVN |
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào VN, vì trong nhiều năm trở lại đây, VN đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư quyết liệt. Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài cộng hưởng như xung đột giữa các nền kinh tế, dịch bệnh buộc các nhà đầu tư phải tái cơ cấu phần đầu tư tại Trung Quốc nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và tạo ra chuyển dịch cho dòng vốn này vào VN.
Theo ông Hoàng, thông tin nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang đàm phán để đổ vốn đầu tư vào VN lên đến con số hàng tỉ USD. “Hiện chúng tôi chưa thể công bố tên tuổi những tập đoàn này vì họ yêu cầu giữ bí mật. Đây toàn là những tập đoàn lớn sẽ đầu tư vào VN với các dự án từ 500 triệu USD đến 1 tỉ USD trong giai đoạn tới” - ông Hoàng cho biết.
Điểm đến mới của các tập đoàn ngoại
Để tranh thủ tận dụng được làn sóng đầu tư mới này, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần phải có cách làm khác trước đây.
Cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa. Có như vậy, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Tháng 7 vừa qua, Apple khẳng định sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe Airpods từ Trung Quốc sang VN. Google, HP và Dell đều đã di dời nhà máy sản xuất laptop sang Đài Loan hay đến các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có VN.
LG của Hàn Quốc cũng chuyển sản xuất dòng điện thoại thông minh của mình sang Hải Phòng. LG, Nintendo, Sharp… cũng đầu tư khá mạnh tại VN.
Hiện Bộ KH&ĐT cùng nhiều cơ quan khác đang nỗ lực hoàn thiện nhiều vấn đề nhằm đáp ứng thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao. Chẳng hạn, vấn đề mặt bằng, Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT đang rà soát lại các địa phương có quỹ đất trong khu công nghiệp cần khai thác, mở rộng theo ý nhà đầu tư chứ không phải theo kiểu quy hoạch manh mún. Với các dự án không triển khai thì địa phương có giải pháp thu hồi lại để tạo quỹ đất sạch cho dự án có chất lượng cao.
Chính sách "may đo" để thu hút đầu tư
Bộ KH&ĐT đang cùng với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng trang web mạng lưới công nhân tu nghiệp sinh làm việc ở các nước. Những nhân lực này làm việc ở nước ngoài, vừa có tay nghề lại vừa quen với văn hóa lao động công nghiệp. Từ đó phân loại ra vùng miền, ngành nghề… để có nguồn lao động tại chỗ đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
“Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành tham mưu các gói ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, theo dạng đo may theo kích cỡ chứ không đưa ra một kiểu như hàng chợ” - ông Hoàng khẳng định.
Một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ để kêu gọi các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ 3 nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Trong đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian vừa qua.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có 3 dòng vốn dịch chuyển. Dòng vốn dịch chuyển thứ nhất là dịch chuyển đơn hàng. Hiện nay, Việt Nam cũng có các doanh nghiệp sẵn sàng dịch chuyển các đơn hàng, nhưng không có nhiều. Đơn hàng rất nhanh, nghĩa là chúng ta đáp ứng 80-90%, chỉ cần cố gắng thêm về mặt năng lực kỹ thuật, quản lý thì chúng ta có thể tiếp cận được các đơn hàng dịch chuyển.
Thứ 2 là luồng vốn đầu tư ra nước ngoài của họ. Đây cũng là một xu hướng dịch chuyển.
Thứ 3 là dịch chuyển trực tiếp, một bộ phận hoặc toàn bộ một nhà máy từ nước A sang nước B. Chúng ta nhìn nhận được 3 luồng vốn đó và chúng ta phải cố gắng chia từng phân khúc để có thể tiếp thu được luồng vốn này.
Ngân Khánh