Bất chấp dịch bệnh, căn hộ vẫn "quyết" giữ giá không giảm
Mặc dù các hoạt động bán hàng đều bị chậm lại ở tất cả các phân khúc BĐS, tuy nhiên, mức giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp lại chưa có nhiều biến động, giá bán hầu như giữ nguyên, thậm chí tăng nhẹ so với quý trước.
Nhiều nhà đầu tư đang chờ giá bất động sản giảm để “bắt đáy”, liệu điều này có xảy ra? (Ảnh: Minh Thư) |
Thị trường bất động sản là một trong những ngành nghề cũng chịu sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư và người mua nhà ở có tâm lý chờ đợt giá bất động sản giảm sau đại dịch. Liệu điều này có xảy ra và người mua có được hưởng lợi?
Theo đánh giá từ đơn vị chuyên nghiên cứu và tư vấn thị trường bất động sản CBRE, các hoạt động bán hàng đều bị chậm lại ở tất cả các phân khúc bất động sản do người mua tránh đến các sự kiện đông đúc. Tuy nhiên, mức giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp lại chưa có nhiều biến động, giá bán hầu như giữ nguyên, thậm chí tăng nhẹ so với quý trước.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp trong quý ở mức 1.365USD/m2, tăng 4% theo năm. Còn tại TP.HCM, giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp ở mức 1.936 USD/m2, tăng 2% so với quý trước và 9% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá tăng này đến từ các dự án mới mở bán tại phân khúc trung cấp có mức giá cao hơn mặt bằng khu vực từ 15-30%.
Bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 chưa tác động rõ rệt lên giá bán căn hộ với mức giá gần như không có sự thay đổi. Cả chủ đầu tư và người mua nhà đều đang trong trạng thái chờ đợi những diễn biến tiếp theo của dịch bệnh. Thị trường cũng chưa ghi nhận hiện tượng bán tháo, cắt lỗ tại các dự án.
Theo bà Dung, dù giá chưa giảm nhưng một tín hiệu tích cực cho người mua nhà là các nhà đầu tư vẫn đang giữ mức giá từ trước khi dịch bùng phát và các dự án mở bán giai đoạn tiếp theo không tăng giá. Nếu ở điều kiện thị trường bình thường, chủ đầu tư sẽ tăng giá từ 4 – 5% sau mỗi đợt mở bán mới.
Bà Dung cho rằng, thị trường bất động sản hiện rất ít dự án mở bán, trong khi nguồn cầu vẫn rất lớn. Tình hình dịch bệnh khiến thanh khoản trên thị trường giảm sút nhưng các chủ đầu tư vẫn còn nguồn lực để giữ giá bán như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài, các dự án tiếp tục hạn chế về thanh khoản, đây chắc chắn sẽ là thách thức rất lớn đối với các chủ đầu tư. Áp lực không có nguồn thu có thể sẽ khiến các dự án giảm giá trong thời gian tới.
Cũng theo bà Dung, dịch bệnh cũng đang ảnh hưởng đến tình hình tài chính và khả năng chi trả của người dân. Do đó, khi dịch kết thúc, chủ đầu tư có thể sẽ cân nhắc các chương trình giảm giá, khuyến mại để kích cầu, hỗ trợ khách hàng, giúp đẩy mạnh thanh khoản.
“Nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý 3, giá căn hộ có thể sẽ giảm khoảng 6%. Bên cạnh đó, các dự án cao cấp sẽ lùi thời gian mở bán sang 2021 cũng sẽ là nguyên nhân khiến mặt bằng giá trên thị trường bất động sản đi xuống”, đại diện CBRE dự báo.
Ngoài ra, theo bà Dung, thay vì giảm giá bán, có thể các chủ đầu tư sẽ chọn bài toán đưa ra sản phẩm phù hợp hơn với khả năng tài chính và sự chi trả của khách hàng. Theo dự đoán, nhà đất thuộc phân khúc bình dân, trung cấp sẽ được thị trường quan tâm trong thời gian tới, trong khi đó, các bất động sản cao cấp và siêu sang rất có thể sẽ phải hoãn kết hoạch mở bán đến khi nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng khả quan hơn.
Nhiều nhà đầu tư đang chờ giá bất động sản giảm để “bắt đáy”, liệu điều này có xảy ra?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS cho rằng, giảm giá không phải bức tranh chung cho toàn thị trường. Có thể giá bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền sẽ chứng kiến xu hướng giảm và thiết lập mặt bằng giá mới.
Tuy nhiên, theo ông Tuyển để “bắt đáy” lại không hề đơn giản. Nhà đầu tư có thể “bắt đáy” hay không còn phụ thuộc vào trình độ của họ. Họ phải thực sự am hiểu thị trường và quan trọng nhất là phải có tài chính thực.
Ông Tuyển cho rằng, nếu nhà đầu tư chờ bất động sản tại trung tâm thành phố giảm giá để “bắt đáy” thì rất khó. Trong khi đó, có những nơi giá nhà đất đã lao đáy thảm khốc rồi nhưng họ lại không chớp được thời cơ để xuống tiền.
Do đó, theo vị lãnh đạo BHS, thị trường bất động sản thời kỳ sau đại dịch với những diễn biến khó lường.
Trước đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch HDMon Holdings đánh giá, các sản phẩm bất động sản cho người nước ngoài vẫn nhận được sự quan tâm lớn. Việc Mỹ và một số nước đang dự kiến cắt giảm nhà máy tại Trung Quốc cũng đã và đang mở ra rất nhiều cơ hội cho loại hình bất động sản công nghiệp. Việt Nam được biết đến là nơi có lực lượng nhân công trẻ, tay nghề khéo nên sẽ có nhiều tập đoàn lớn tập trung đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.
Ông Tuấn dự đoán, phân khúc chịu sự điều chính nhiều nhất nằm ở phân khúc các dự án ở xa trung tâm, hạ tầng chưa đồng bộ. Ngoài ra, các sản phẩm nhà phố, mục đích cho thuê bán lẻ, làm dịch vụ cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều do khách thuê giải thể dẫn đến việc trả lại mặt bằng cho chủ nhà.
Minh Thư
"Đầu tư bất động sản giai đoạn này vừa rủi ro nhưng cũng là cơ hội”
“Giai đoạn khó khăn này đã lộ ra nhiều chủ đầu tư yếu kém và phải chấp nhận bán dự án để sinh tồn. Nhưng khi đại dịch đi qua, thị trường ổn định thì chưa chắc cơ hội sẽ nhiều như thời điểm này.”