Lan đột biến tiền tỷ, vạn người tranh nhau bán, ai là người mua, sốt ở đâu?
Sau một thời gian tạm lắng, những ngày gần đây thông tin về lan đột biến lại lên “cơn sốt” với những thương vụ mua, bán lên đến hàng hàng chục tỷ thậm chí là hàng trăm tỷ đồng.
Những thông tin về các thương vụ giao dịch mua bán lan đột biến hàng trăm tỷ đồng được lan truyền trên MXH ngày càng nhiều. |
Điều đáng nói là giá lan đột biến cao chót vót nhưng những thương vụ đấu giá vẫn lan truyền trên mạng xã hội rất sôi động. Như thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh); thương vụ về lan đột biến diễn ra ở khu vực Tây Nguyên, cụ thể là ở tỉnh Kon Tum với phi vụ chuyển nhượng lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng mắt trâu giá trị lên đến 10 tỷ đồng; vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18,8 tỷ đồng tại Hà Nam…
Trước đó, vào giữa năm 2020, thông tin về hàng loạt thương vụ giao dịch hoa lan đột biến được cho là có giá từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng diễn ra ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ khiến dư luận xôn xao.
Vạn người rao bán, chỉ... 1 người mua
Thông tin về các thương vụ lan đột biến diễn ra công khai, liên tục, với giá trị ít thì hàng trăm nhiều đồng, nhiều là hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Lan đột biến đàn gây sốt trên thị trường với những thông tin giao dịch tiền tỷ (ảnh minh họa). |
Nhiều thông tin cho rằng, sở dĩ lan đột biến có giá "khủng" là do nó rất quý hiếm bởi việc nhân giống nó khá hạn chế, giống của nó không thể nuôi cấy mô hay làm trái để gieo hạt được. Theo đó, hàng tấn lan rừng may ra mới có một cây đột biến gen; hàng vạn, hàng triệu giò mới có 1 giò lan đột biến, vì thế nó vô cùng quý hiếm và giá luôn đắt đỏ, chỉ các khách hàng lắm tiền hoặc giới chơi lan có điều kiện sở hữu.
Thế nhưng, trên các diễn đàn MXH của giới chơi lan, thông tin về các thương vụ lan đột biến có giá trị “khung” với hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng đã khiến nhiều người được phen “lao xao” vì thông tin toàn được chia sẻ trên MXH nhưng thực tế bản thân họ chưa từng tận mắt chứng kiến nên không biết có thật hay không.
Thông tin người rao bán các loại lan đột biến, giá hàng trăm triệu đồng và cả tỷ đồng vẫn được đăng tải trên các hội nhóm, diễn đàn dành cho giới chơi lan. Tuy nhiên, người đăng bán thì rất nhiều, tổ chức bán đấu giá công khai cũng có nhưng tìm được người mua, chốt đơn thì… cực hiếm.
Và một người trong giới chơi lan phải thốt lên rằng: "Một người hỏi mua thì cả hàng trăm người ào ạt gửi hình ảnh, thông tin rao bán thế này mà cứ bảo “lan đột biến quý hiếm”, bảo “sốt”, không biết “sốt” ở đâu, chỗ nào vậy? Nhìn trên nhóm thấy thông tin rao bán chóng cả mặt nhưng nhìn lại thì 1 người mua mà hàng vạn người cần bán. Đầu ra của lan ở đâu? Ở chính người chơi lan thôi!".
Lại có người ngao ngán lắc đầu, “hiện nay việc nhập hàng lan var thì có đến 99.9% là nhà vườn. Nhưng nhà vườn lập ra rồi nhập giống nhiều vậy sang năm làm kie ra bán cho ai???
Xuất khẩu thì chắc chắn là không được rồi! Còn người chơi lan thì đảm bảo chả ai thừa tiền mà bỏ ra cả mớ tiền chỉ để mua cái hoa về ngắm chơi đâu. Tỷ lệ 1 mua mà chừng 10 người bán là đã ế lắm rồi chứ cứ bảo sốt chỗ nào hả các bác???”.
Thông tin rao bán lan đột biến giá hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng đầy rẫy tại các diễn đàn chơi lan trên MXH và sự thật về thông tin lan đột biến giá tiền tỷ được giới chơi lan cảnh báo. |
Nói về việc có hay không thông tin lan đột biến rất quý hiếm, PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI), Bộ NN&PTNT cho biết, việc xuất hiện lan đột biến (trong đó có lan phi điệp) là một hiện tượng tự nhiên của sinh vật. Lan đột biến đã có từ lâu, tuy nhiên trước đây mọi người chưa chú ý, nên ít ai nhắc đến.
Tuy nhiên, theo ông Đông, có những cây hoa lan, mặc dù đặc điểm bên ngoài và hoa có thể có sự khác biệt với cây lan thông thường, nhưng chưa chắc đó đã là lan đột biến thực sự.
Lý giải về thông tin cho rằng, sở dĩ lan phi điệp đột biến quý và đắt, bên cạnh hoa đẹp, thì còn do việc không thể nhân giống với số lượng lớn bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào (nhân Invitro), ông Đông cho rằng, cây lan có thể nhân giống bằng hạt và bằng cành, chồi. Đó là giâm cành bằng các đốt thân (hay còn gọi là ky) và nhân giống bằng Invitro (nuôi cấy mô).
“Có thể do những người có cây lan đột biến cứ nghĩ cây con nhân ra sẽ bị thay đổi đặc tính, nên không muốn dùng phương pháp Invitro. Cũng có thể họ nghĩ cái gì hiếm thì sẽ đắt, nếu nhân bằng phương pháp Invitro thì khi nhân nhiều rồi, sẽ mất đi giá trị quý và hiếm, nên họ không áp dụng phương pháp này.
Thực tế ở các nước tiên tiến họ đều đang sử dụng phổ biến phương pháp này cho cây lan. Hiện tại Viện Nghiên cứu Rau quả đã và đang nhân hàng vạn cây giống lan phi điệp đột biến bằng ky, do một khách hàng đặt hàng, với giá chỉ tương đương những cây lan bình thường khác (chưa bao gồm tiền đốt ky đưa vào nhân giống)”, ông Đông chia sẻ.
Công an cảnh báo, ngành Thuế vào cuộc
Trước những thông tin về giao dịch lan đột biến lên tới hàng trăm tỷ đồng khiến dư luận xôn xao, mới đây, đại diện Tổng cục Thuế, cho hay, nếu có cơ sở, bằng chứng giao dịch mua bán lan đột biến từ chục tỷ đến trăm tỷ đồng, người bán có thể bị truy thuế từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
Hiện Tổng cục Thuế và các Cục thuế địa phương, nơi có thông tin cho rằng đã diễn ra giao dịch lan đột biến tiền tỷ, vẫn đang rà soát, xác minh vụ việc bởi thông tin về các thương vụ giao dịch lan đột biến tiền tỷ chủ yếu lan truyền trên MXH, chưa xác định trên thực tế có hay không.
Vì vậy, nếu các vụ giao dịch xác định có giá đúng như dư luận nêu, các mức thuế đánh vào doanh nghiệp hoặc cá nhân sẽ khác nhau.
Liên quan đến thông tin về vụ chuyển nhượng lan Bảo Duy 5 cánh có giá gần 19 tỷ đồng xuất hiện những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam khẳng định, qua xác minh ban đầu, 99% thương vụ này là giả.
Tương tự, UBND thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) cũng đã có văn bản đề nghị công an thị xã, Chi cục Thuế vào cuộc xác minh thông tin về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng.
Và mới đây, Cục Thuế tỉnh Sơn La thông tin rằng, trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Sơn La có các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoa phong lan đột biến gen có giá trị lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Thuế tỉnh Sơn La, Chi cục Thuế khu vực các huyện, thành phố chưa nhận được hồ sơ đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh hoa phong lan đột biến gen. Vì vậy, Cục Thuế Sơn La có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với cơ quan Thuế.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, qua kiểm tra, phát hiện có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen sẽ bị truy thu và xử phạt theo pháp luật thuế hiện hành.
Không chỉ ngành thuế, hiện cơ quan Công an một số tỉnh đã có cảnh báo về những thương vụ giao dịch lan đột biến với giá trị lớn là các thương vụ giả mạo, sử dụng chiêu thức tung tin từ 1 gốc lan bình thường thành những gốc đột biến, độc lạ và quý hiếm nhằm đẩy giá lan lên cao hàng trăm nghìn lần nhằm thổi giá lan lên cao.
Nguyễn Hải
Dân mạng "phũ phàng" bóc chiêu thổi giá lan phi điệp đột biến lên hàng chục tỷ đồng
Dân mạng đang "sôi sục" bình luận về các phi vụ chuyển nhượng lan đột biến (lan VAR) lên tới hàng chục tỷ của giới chơi lan phi điệp ở Việt Nam.