Đeo mặt nạ phòng độc làm việc này, nhiều người kiếm tiền triệu tiêu Tết
Thu nhập khá cao nhưng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, cẩn thận, có kỹ năng, đặt cả cái tâm để làm. Công việc đánh bóng lư đồng ngày cận Tết giúp người thợ kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Cuối năm, các gia đình dọn dẹp, sửa sang lại bàn thờ gia tiên để đón năm mới vì thế mà dịch vụ đánh bóng lư đồng trở nên tất bật.
Ông Nguyễn Công Vinh đánh lư đồng cho khách trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu, Đà Nẵng). |
Những ngày cận Tết ở Đà Nẵng, không khó để bắt gặp những điểm đánh bóng lư đồng trên những vỉa hè. Công việc đánh bóng lư đồng chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào dịp Tết, giúp thợ đánh bóng kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Ông Nguyễn Công Vinh (54 tuổi, trú tại quận Hải Châu) chia sẻ, đây là năm thứ 4 ông làm công việc này.
Công việc đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn, cẩn thận. |
Công việc chính của ông Vinh là thợ sửa chữa điện, nước nhưng nắm bắt nhu cầu làm đẹp đồ thờ gia tiên ngày Tết, cứ sau Rằm tháng Chạp là ông Vinh lại xách đồ nghề ra vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh để đánh lư đồng cho khách. Ông làm đến hết ngày 28 Tết thì nghỉ. Dù làm khoảng 13 ngày cận Tết nhưng thu nhập cao gần bằng 3 tháng thu nhập của ông so với ngày thường, đủ để gia đình đón Tết đầm ấm.
Mỗi ngày ông đánh khoảng 2-3 bộ lư đồng. Tuỳ bộ lớn hay nhỏ, giá tiền công đánh bóng mỗi bộ dao động từ 200-300 nghìn đồng.
Những bộ lư có hoạ tiết cầu kỳ, phức tạp đòi hỏi người thợ phải lau chùi, đánh bóng bằng tay. |
Khách hàng của ông hầu hết là khách hàng cũ. Mặc dù dịch Covid-19 khiến tình hình kinh tế khó khăn nhưng dịch vụ đánh bóng lư đồng vẫn không bị ảnh hưởng.
“Người Việt mình rất coi trọng bàn thờ gia tiên. Dù có điều kiện hay không thì gia đình nào cũng sửa soạn ban thờ tổ tiên cho đàng hoàng hơn để đón năm mới. Trong đó không thể thiếu việc đánh bóng lư đồng cho thật đẹp và sáng bóng”, ông Vinh cho hay.
Đồ nghề của những người thợ đánh bóng khá đơn sơ gồm có bột tẩy, làm bóng, máy đánh bóng. Theo ông Vinh, nhìn qua có vẻ đơn giản, dễ hái ra tiền nhưng nghề này không phải ai cũng làm được.
Mỗi một bộ lư mất khá nhiều thời gian để đánh bóng, do đó, mỗi ngày người thợ cũng chỉ có thể đánh bóng được 2-3 bộ lư. |
Để đánh được một bộ lư đồng đẹp, sáng bóng cần trải qua nhiều công đoạn như lau sạch bụi nhang, chà thuốc, bột tẩy, đánh bóng. Đối với những bộ lư cầu kỳ, phức tạp, nhiều hoạ tiết không thể đánh bằng máy yêu cầu người thợ phải lau chùi tỉ mẩn, đánh bóng bằng tay. Có khi ngồi từ sáng đến trưa mới lau xong một bộ lư.
Vì công việc gây độc hại nên ông Vinh phải trang bị găng tay, mặt nạ phòng độc để không hít phải bụi trong quá trình đánh bóng bằng máy. |
“Bộ lư là vật linh thiêng, như báu vật gia truyền của gia đình người ta. Những người đem đồ đi đánh bóng họ trân trọng, nâng niu như thế nào thì mình cũng phải trân trọng, nâng niu như thế. Nghề này phải đặt cái tâm để làm, phải giữ gìn tránh làm hư hỏng, mất đồ. Bộ lư giao đến khách phải thật đẹp, thật sáng và có độ bền sau khi được đánh bóng”, ông Vinh cho hay.
Bộ lư sau khi được vệ sinh, đánh bóng trở nên sáng bóng như mới. |
Trong các công đoạn thì công đoạn làm bóng là khó nhất, yêu cầu người thợ phải có kinh nghiệm, làm việc tập trung, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể làm hư cả bộ lư hoặc gặp tai nạn.
Ông Vinh nói, hồi đầu do ông chưa có kinh nghiệm, khi đưa đồ đồng vào máy đánh bóng, máy chạy với tốc độ rất cao khiến món đồ tuột tay, va đập vào chân khiến ông bị móp cả chân phải, mất một thời gian dài mới khỏi.
Công việc thời vụ giúp người thợ đánh bóng lư đồng kiếm được chục triệu để tiêu Tết |
Ngoài ra, công việc này cũng độc hại do bụi đồng và bụi hoá chất. Do đó, ông phải đeo bao tay, khẩu trang, thậm chí sắm cả mặt nạ chống độc khi đánh bóng để đảm bảo sức khoẻ.
Diệu Thuỳ
Thất thu cả năm, làng rau sạch lớn nhất Đà Nẵng ngóng vụ Tết
Chỉ còn khoảng vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2022. Thời điểm này, nông dân ở vùng rau La Hường - vùng trồng rau sạch lớn nhất Đà Nẵng đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, chăm bón để cung ứng cho thị trường.