Theo chân cô giáo vùng cao Quảng Bình ngày ngày mang kẹo đi dỗ trẻ đến trường
Đối với người Arem ở xã Tân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình thì mong ước có nhiều em trong độ tuổi đến trường đọc thông, viết thạo còn là cái gì hết sức xa xôi. Học rồi quên, quên rồi dạy lại, dạy lại lại quên đang là một thực tế, tạo ra một áp lực hết sức lớn cho công tác giáo dục và đào tạo nơi đây.
Cô giáo Lê Thị Hà là một trong số hơn 20 giáo viên của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) "nổi tiếng" về việc chịu khó lặn lội vận động học trò đến trường, nhất là đối với con em người Arem.
Quê cô Hà ở tận Nông trường Việt Trung, từ nhà cô tới trường dài cả 60 cây số và mất gần nửa là quãng đường trầy trật và khổ sở. Thế nhưng vì công việc, vì sự nghiệp giáo dục mà cô để chồng con dưới quê, cô đã đến đây định cư. Ban ngày cô đi vận động học trò đi học, tối đến cô lại một mình đơn côi bên ánh đèn để soạn giáo án, tìm ra cách dạy phù hợp với trình độ cũng như tâm lý, tập quán của trẻ em Arem.
Cô Hà bảo rằng dạy ở đây nhiều khi không thể áp dụng hết các giáo trình và phương pháp của ngành cho học sinh được. Một bài học, một buổi học trong quy định với học sinh miền dưới là rất phù hợp, nhưng lên đây lại trở thành quá tải với những đứa trẻ Arem.
Có những bài học, trẻ em cùng tuổi ở vùng dưới chỉ học một tiết là nhận thức được. Nhưng cũng bài học ấy cô Hà và đồng nghiệp của mình có thể phải dậy 2 buổi, 3 buổi, thậm chí là cả tuần các em mới lĩnh hội được. Nghe những lời cô Hà kể mới thấm được những cực nhọc của giáo viên trong việc vận động học trò đến lớp.
Lớp 2 của cô Hà có 5 em học sinh, cô phải dạy buổi chiều vì sáng học sinh dậy muộn. Dù cô muốn mở lớp buổi sáng thì cũng không có học sinh nào chịu đến lớp.
Để có 1 lớp với 5 học sinh này mở cửa vào lúc 14 giờ thì cô Hà phải đi vận động các em từ lúc 12 giờ trưa. Trước khi đi, như một thói quen, cô Hà còn phải lấy chục cái kẹo bỏ vào túi.
Cô Hà chia sẻ: “Cả tháng tôi mới từ trường về nhà thăm con, nhiều khi không nhớ để mua cho con cái kẹo nhưng với trẻ Arem phải có kẹo đưa ra chúng mới cho cô lại gần để dắt tay đến lớp. Cứ lòng vòng cắt đường, hết nhà nọ sang nhà kia, đưa kẹo ra để mà dỗ dành. Sau 2 giờ đồng hồ, có hôm người toát mồ hôi tôi cũng “bắt” được đủ quân số cho lớp học. Có học sinh rồi lại phải mất đến 30 phút nữa để dỗ dành, để ổn định trật tự, sau đó tiếng thước kẻ mới nhịp nhàng vang lên, buổi học mới bắt đầu”.
Sự học ở đây có cái lạ nhất so với toàn quốc, nói vui theo cách nói của các thầy cô là "học sinh đi học được trả lương". Ngoài kẹo để dỗ các em, ngoài việc lội bộ để đi vận động các em đến lớp thì các em còn được trả mấy nghìn đồng một buổi nếu như có mặt ở lớp. Đây là khoản kinh phí được trích ra từ chế độ vùng miền cho học sinh thiểu số vùng dân tộc ít người.
Bản Arem khốn khó và các thầy cô ở đây cũng khốn khó vô cùng. Lương thực, thực phẩm thì ngóng từ 3 đến 5 ngày mới có một chuyến xe dã chiến nhọc nhằn xả khói ì ạch tìm vào. Mọi thứ ở đây phải thêm công vận chuyển, thêm chênh lệch giá qua các tư thương nên cái gì cũng đắt gấp đôi, gấp rưỡi.
Tuy nhiên, đã chọn lên với con em của bản Arem thì những giáo viên như cô Hà có lẽ không có nguyện vọng riêng gì cho bản thân, bởi vì hạnh phúc, niềm vui lớn nhất của cô là thấy các học trò được đến lớp, được nở nụ cười, được biết con chữ như bao nhiêu trẻ em khác trên đất nước Việt Nam.
Hoàng Thanh