Thế lực nào đang "giữ giá BĐS"?
Sáng 24/1, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình tìm giải pháp “phá băng” thị trường bất động sản (BĐS). Báo cáo trước Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn, giá sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch không nhiều, một số dự án không có giao dịch.
Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của 50 địa phương, hiện tồn kho khoảng 42.230 nhà ở, văn phòng cho thuê tồn kho 92.800m2 sàn, trung tâm thương mại 98.407 m2 sàn, đất nền nhà ở xấp xỉ 792 ha, đất thương mại khác hơn 195,1 ha. Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng. Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội là nơi tập trung nhiều dự án BĐS nhất, chiếm khoảng gần 50% thị trường BĐS cả nước và cũng chính là điểm nóng chịu nhiều khó khăn nhất.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng bằng nhiều giải pháp đã và đang thực hiện khiến giá nhà giảm nhiều so với thời điểm sốt giá năm 2008 - 2010. Các căn hộ đã giảm tới 30%, thậm chí có dự án giá giảm tới 50%, về giá tương đương thời điểm 2008.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải trình trước UBKT Quốc hội |
Ông Dũng cho rằng, đây là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Gần đây, thị trường BĐS phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có dấu hiệu ấm dần lên.
Sau báo cáo của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng hàng loạt câu hỏi của các đại biểu nêu lên tập trung vào giải pháp phá băng, quản lý, tháo gỡ khó khăn... của thị trường BĐS hiện nay.
Trả lời Đại biểu Lê Nam – Đoàn đại biểu QH Thanh Hóa về giải pháp gì để xử lý hàng tồn kho, căn hộ, đất nền và giải quyết các dự án bỏ hoang hiện nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định đây là câu hỏi rất khó. Theo ông Dũng thị trường BĐS không phải ngày một, ngày hai giải quyết được mà cần có thời gian. Đặc biệt là ngành tài chính, tiền tệ phải tham gia tích cực cùng với các giải pháp của Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ. Giải pháp rà soát lại tất cả các dự án, để cơ cấu lại dự án đã giao đất mà không thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc đã giải phóng mặt bằng rồi nhưng không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị thì dừng hoặc xử lý thu hồi dự án. Giải pháp nữa là những dự án đã và đang xây dựng có phù hợp với quy hoạch không, tùy vị trí, địa lý dự án để cho phép cơ cấu lại căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường.
Những dự án mới xây móng cũng cơ cấu lại phần nào xây căn hộ, phần nào xây công trình dịch vụ, nhà ở xã hội. Hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn khoảng 1 triệu căn hộ, vì vậy, chúng ta cơ cấu lại dự án để chuyển sang làm nhà ở xã hội thì sẽ giảm những dự án chưa giao dịch, giảm những dự án bỏ hoang…
Vấn đề cứu BĐS có cứu nhà đầu cơ không? Ông Dũng cho biết, việc thứ nhất là tháo gỡ cho DN thứ hai là tháo gỡ cho người dân, hàng tồn kho và các tổ chức tín dụng… cho nên người dân có lợi, các tổ chức tín dụng có lợi, xã hội có lợi… Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng các bộ tiêu chí rà soát lại các dự án để xử lý phù hợp với nhu cầu.
Còn đại biểu Trần Xuân Hòa, Ủy viên UBKT Quốc hội nêu câu hỏi, việc thị trường BĐS đóng băng có nhiều vốn của đầu tư từ nước ngoài và không nhỏ những cá nhân ở VN, vậy chúng ta có cứu cả những nhà đầu tư này không? Có ý kiến cho rằng đang có một “thế lực” đang giữ giá căn hộ, nhà đất để giá BĐS vẫn cao như hiện nay. Đại biểu Trần Văn Phương cũng nêu vấn đề chính sách phát triển nhà ở xã hội, giải cứu thị trường bất động sản có phải phục vụ lợi ích nhóm không?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, cung vượt cầu ở phân khúc nhà cao cấp, còn phân khúc nhà giá rẻ thì cung lại vượt cầu. Thị trường BĐS của chúng ta còn non trẻ, vì vậy, kinh nghiệm quản lý nhà nước về thị trường nhìn chung còn yếu. Mà trách nhiệm quản lý nhà nước chính là Bộ Xây dựng. Chúng tôi mong muốn giá nhà ở xã hội ở Hà Nội chỉ khoảng 500 triệu đồng trở lại, tức là giá chỉ 9 – 10 triệu đồng/m2, với khoảng diện tích nhà 50m2, cộng với ngân hàng cho vay thì khả năng thanh khoản của người dân sẽ thanh khoản tốt hơn.
Giải quyết các dự án bỏ hoang hiện nay rất khó |
"Đây không phải là phục vụ lợi ích nhóm nào cả. Các giải pháp tháo gỡ thị trường BĐS là chúng ta tháo gỡ cho khó khăn của nền kinh tế, vì vậy, mỗi người dân phải chịu một khó khăn chung. Do khó khăn của nền kinh tế chúng ta ta phải tìm điểm nghẽn, mà điểm tắc đó chính là bất động sản. Mà BĐS hiện đang gặp khó khăn do cung cầu “lệch pha”, cho nên phải cân bằng cung cầu. Chúng ta tìm giải pháp tháo gỡ là bảo vệ lợi ích DN, mà bảo vệ lợi ích DN cũng là lợi ích người dân", Bộ trưởng Xây dựng phân trần.
ĐB Trần Du Lịch cũng hỏi rõ các lỗ hổng quản lý về thể chế và một số bất cập trong quản lý thị trường BĐS. Bộ trưởng Xây dựng khẳng định: “Chúng tôi đang thực hiện các giải pháp, như nghị quyết 02 của Chính phủ về xử lý tồn kho BĐS, hy vọng từng bước tháo gỡ khó khăn, nhưng không thể đạt yêu cầu ngay... Bộ trưởng Xây dựng cũng nhấn mạnh, các số liệu về hàng tồn kho mới nói lên một phần thực tế, còn lại thì nhiều con số chưa được báo cáo. Những giải pháp chúng tôi đưa ra cũng phù hợp với điều kiện nền kinh tế, nhưng để đủ mạnh chưa thì chúng tôi muốn còn phải mạnh hơn nữa...
Kết thúc phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, giải pháp phát triển nhà ở xã hội sẽ giúp thị trường BĐS ấm lên, người dân cải thiện nhiều hơn về nhà ở, khó khăn của thị trường giảm đi… Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai nhóm giải pháp đã trình Chính phủ, đồng thời cụ thể hóa đầu tư xây dựng nói chung và liên quan đến lĩnh vực đô thị BĐS.
"Chúng tôi đã xin ý kiến Chính phủ sửa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sớm nhất theo hướng các dự án có nguồn vốn khác nhau thì sẽ quản lý khác nhau, nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát lãng phí, tiếp tục hoàn thiện Nghị định nhà ở xã hội, phát triển thị trường BĐS, tiêu chí nhà ở đô thị, tiêu chí hướng dẫn cho người dân vay mua nhà", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.