Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lại vắng bóng trước truyền thông, lý do là gì?
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gần đây vắng bóng trước truyền thông và còn không tham dự cuộc họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Chủ tịch Kim Jong-un đã không tham dự kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân Tối cao (cơ quan tương đương Quốc hội) khóa 14 diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng trong 2 ngày 6 – 7/2.
Ông Kim vắng mặt tại sự kiện chính trị quan trọng và việc nhà lãnh đạo Triều Tiên thời gian gần đây không đưa ra bất cứ tuyên bố nào liên quan tới Hàn Quốc và Mỹ khiến nhiều chuyên gia cho rằng, ông Kim đang kiềm chế công khai những lời đe dọa trong giai đoạn diễn ra Thế vân hội mùa Đông Bắc Kinh.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA) |
Cuộc họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên diễn ra sau khi quốc gia này thực hiện 7 vụ phóng tên lửa chỉ riêng trong tháng Một bao gồm vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM).
Ngoài ra, Triều Tiên còn cảnh báo có thể tái thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân để phản đối những động thái từ Mỹ mà Bình Nhưỡng xem là mang tính thù địch. Trước đây, ông Kim tuyên bố cho dừng thực hiện tất cả các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và vũ khí hạt nhân vào tháng 4/2018, thời điểm ông Kim tiến hành đàm phán với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2011, ông Kim đã tham dự 8/14 khóa họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên. Trong đó, ông Kim đã 2 lần trực tiếp công bố các đường lối chính sách trong kỳ họp diễn ra vào năm 2019 và 2021.
Theo ông Park Won-gon, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Nữ Ewha của Hàn Quốc, nếu tại thời điểm hiện tại ông Kim đưa ra thông điệp chính sách đối ngoại, chuyện này có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ giữa Trung - Triều. Nguyên nhân là vì Trung Quốc không muốn có bất cứ căng thẳng quân sự nào xuất hiện trong giai đoạn diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện là đồng minh kinh tế và chính trị thân thiết nhất của Triều Tiên. Thậm chí, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng ngăn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công bố lệnh trừng phạt liên quan tới những hành động mang tính khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Theo Korea Times, nhiều nhà phân tích nhận định trước phiên khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, thông điệp chúc mừng mà ông Kim gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ tạm dừng phóng thử nghiệm tên lửa.
Trong tin nhắn chúc mừng, ông Kim nhấn mạnh quan hệ song phương Trung – Triều đã gắn kết thành “các mối quan hệ chiến lược bất bại”.
“Dù Triều Tiên 7 lần phóng thử nghiệm tên lửa trong tháng Một, nhưng quốc gia này đang tạm tránh có thêm hành động khiêu khích cho tới khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc vào ngày 20/2”, ông Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong nói.
Ngày 8/2 là ngày kỷ niệm 74 năm thành lập quân đội Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng không có bất cứ động thái nào gây chú ý.
Còn theo ông Park, Triều Tiên có thể tổ chức diễu binh vào ngày 16/2 để kỷ niệm 80 năm sinh nhật cố lãnh đạo Kim Jong-il. Trong sự kiện này, chính quyền Bình Nhưỡng có thể phô trương các loại tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Hành động này được xem không làm phiền lòng Trung Quốc.
Nhưng khả năng cao hơn là Triều Tiên cho tiến hành cuộc diễu binh quy mô lớn trong tháng Tư để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15/4.
Căn cứ tên lửa sát biên giới Trung Quốc
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết họ đã phát hiện một căn cứ quân sự nằm trong lãnh thổ Triều Tiên nhưng sát với biên giới Trung Quốc. Cơ sở này có thể là nơi Triều Tiên cất giữ ICBM.
Theo những bức ảnh vệ tinh được chụp vào ngày 21/1, CSIS cho hay căn cứ của Triều Tiên nằm ở Hoejung-ni thuộc tỉnh Chagang và cách biên giới Trung Quốc chỉ 25 km. Song căn cứ này nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng 280 km.
“Căn cứ tên lửa Hoejung-ni khả năng là nơi chứa một đơn vị cấp trung đoàn được trang bị ICBM”, Reuters dẫn báo cáo của CSIS.
“Nếu ICBM không thể đi vào hoạt động trong tương lai gần, Triều Tiên có thể triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM)”, CSIS nhấn mạnh thêm Triều Tiên đã cho phóng thử nghiệm IRBM Hwasong-12 ở tỉnh Chagang hồi tháng Một.
Cũng theo CSIS, Hoejung-ni là 1 trong gần 20 căn cứ tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên chưa từng công bố, dù nó đã được xây dựng từ 20 năm trước và là một trong những cơ sở mới nhất được hoàn thành xây dựng.
Các nhà phân tích cho rằng việc đặt các ICBM sát gần Trung Quốc sẽ khiến những cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên khó có thể thực hiện vì nguy cơ tấn công cả vào lãnh thổ Trung Quốc.
Khi được hỏi về báo cáo của CSIS, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ Trung tá Marty Meiners đã từ chối đưa ra bình luận.
“Chúng tôi hoàn toàn nắm rõ về mối đe dọa từ chương trình tên lửa của Triều Tiên và chúng tôi cam kết bảo vệ Hàn Quốc, Nhật Bản, lãnh thổ Mỹ, cũng như cam kết duy trì nền hòa bình và ổn định của khu vực”, ông Meiners cho biết.
Theo CSIS, không có dấu hiệu nào cho thấy tính tới tháng Một có một tổ hợp ICBM được đặt ở căn cứ Hoejung-ni. Song các bức ảnh vệ tinh hé lộ căn cứ Hoejung-ni vẫn đang hoạt động và được bảo trì theo tiêu chuẩn của Triều Tiên. Ngoài ra, một số hoạt động cải tiến cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ ở căn cứ này vẫn đang được tiến hành.
Các bức ảnh vệ tinh còn ghi nhận 2 cơ sở kiểm tra tên lửa được dùng cho mục đích vũ trang, bơm nhiên liệu và bảo trì. Mỗi cơ sở có một hầm trú ẩn cỡ lớn được xây bằng bê tông cốt thép, và nằm bên trong sườn núi với chiều dài 35 m đủ để chứa toàn bộ các bệ phóng tên lửa di động của nước này.
Hòn đảo bị dàn tên lửa Triều Tiên bắn phá nhiều nhất có gì đặc biệt?
Một hòn đảo ngoài khơi trở thành địa điểm hứng chịu đòn tấn công nhiều nhất từ dàn tên lửa phóng thử nghiệm của Triều Tiên.
Minh Thu (lược dịch)