Thầy giáo online nổi tiếng chia sẻ cách bảo vệ học sinh trên không gian mạng
Chia sẻ với PV Infonet về những hiểm họa mà trẻ em có thể gặp phải trên không gian mạng, thầy giáo Đinh Đức Hiền - giáo viên nổi tiếng trong việc dạy học trực tuyến môn Sinh học cho rằng có một thực tế hiện nay là nhiều học sinh có xu hướng ẩn mình trong đám đông, ẩn mình trong mối quan hệ với người xung quanh, nhưng lại vô tư thoải mái trên không gian mạng, việc giao tiếp bằng lời nói ngày càng hạn chế mà thay vào đó là những dòng gõ trên bàn phím vô hồn. Các em đâu biết rằng mình đang ở nơi nguy hiểm nhất, bởi lẽ có biết bao nhiêu thứ các em không thể kiểm soát, người ta dễ dàng xâm phạm đời tư cá nhân, cuộc sống của chính các em trên không gian mạng.
Thầy Hiền nhận định: “Không gian mạng có vô vàn điều hấp dẫn kích thích sự tò mò của học sinh. Chính bữa tiệc sắc màu ngập tràn trên không gian ảo đó khiến những người thiếu kĩ năng số càng không thể phân biệt rõ tốt xấu, dễ bị đưa đẩy vào những "hố đen" trên không gian mạng.
Từ thực tế tôi nhận thấy việc trang bị kĩ năng số cho học sinh tại nhà trường hiện nay lại chưa được chú trọng đúng mức, trong khi đó ở gia đình, thiết bị điện tử đang trở thành “cha mẹ” thứ hai.
Sự buông lỏng quản lý, thiếu đồng hành từ cha mẹ sẽ càng đẩy đứa trẻ vào vòng xoáy thế giới ảo, bị cuốn theo những lượt thích, chia sẻ và bình luận trên mạng xã hội. Sự thật là những mảng tối tâm lý của con người luôn dễ bột phát hơn trên mạng xã hội”.
Rõ ràng việc định hướng, giáo dục để các em học sinh tự bảo vệ mình trên không gian mạng là vô cùng cần thiết, bởi lẽ không ai có thể giám sát các em 24/24 được, thậm chí các biện pháp cứng như quy định thời gian vào internet, khóa các kênh có nguy cơ trên thiết bị truy cập chỉ có tác dụng phần nào với độ tuổi nhỏ và cũng chỉ áp dụng được với các thiết bị mà bố mẹ có thể quản lý. Vậy nên muốn giải bài toán này theo thầy Hiền cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục từ gia đình và nhà trường.
“Một điều đang thiếu trầm trọng và chưa được quan tâm đúng mức hiện nay ở trường học đó là vấn đề sức khỏe tâm thần, tham vấn tâm lý cho học sinh. Bạo lực học đường không phải chỉ đến từ hành động mà còn đến từ lời nói, có bạo lực thể xác và cả bạo lực tinh thần.
Nhiều học sinh cần được chia sẻ, bảo vệ nhưng lại không biết nói cùng ai. Các trường học cần phải chú trọng điều này, một trường học hạnh phúc thì trước hết phải là trường học an toàn. Những đứa trẻ không thể học tập tốt khi luôn mang trong mình sự bất an.
Mâu thuẫn trong cuộc sống là không thể tránh khỏi, và trên mạng xã hội cũng như vậy, quan trọng là cách chúng ta đối diện và xử lý nó như thế nào. Chúng ta không thể trốn tránh, nhưng nếu để cảm xúc mất kiểm soát, cố thể hiện cái tôi đẩy sự việc lên cao trào nhất là trên mạng xã hội thì bạn đang đúng cũng có thể trở thành sai. Thiếu niên vốn nhạy cảm về tâm lý, thiếu kinh nghiệm sống, rất dễ bị kích động nên trở thành bữa tiệc của mạng xã hội lúc nào không hay.
Im lặng tạm thời sẽ là cách đối diện khôn ngoan nhất ở hầu hết trường hợp, bản thân chúng ta cần một khoảng lặng để suy nghĩ, và làm cho đám đông tan dần đi cơn sóng cuồng nộ. Với các nền tảng mạng xã hội cần thực hiện chế độ riêng tư, khóa bình luận… để tránh bị đám đông đẩy sự việc đi quá xa.
Khi chúng ta đã bình tĩnh nhìn nhận vấn đề thì hãy giải quyết riêng tư những mâu thuẫn. Gia đình và bạn bè là yếu tố vô cùng quan trọng trong thời điểm này, sự chia sẻ, những lời khuyên sẽ giúp các em học sinh vượt qua những khủng hoảng từ mạng xã hội”, thầy Đinh Đức Hiền nói.
Rõ ràng nếu những đứa trẻ được rèn luyện, giáo dục tốt hằng ngày thì chuyện mâu thuẫn trên mạng xã hội sẽ hiếm gặp, nếu có gặp cũng sẽ kiểm soát tốt hơn. Do đó giáo dục gia đình, nhà trường một cách liên tục mới là liều vacxin hiệu quả nhất để các em tránh các mâu thuẫn, khủng hoảng trên mạng xã hội.
Hoàng Thanh