Thanh toán di động tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới
Theo khảo sát chuyên sâu về người tiêu dùng toàn cầu của PWC, Việt Nam vừa qua ghi nhận sự tăng trưởng thanh toán di động nhanh nhất trên thế giới, từ 37% trong năm 2018 lên 61% trong năm 2019.
Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia không sử dụng tiền mặt. |
Theo khảo sát chuyên sâu về người tiêu dùng toàn cầu của PWC, Việt Nam vừa qua ghi nhận sự tăng trưởng thanh toán di động nhanh nhất trên thế giới, từ 37% trong năm 2018 lên 61% trong năm 2019.
Trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, khi nhiều quốc gia áp đặt hoặc tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, phần lớn người tiêu dùng đã chuyển sang hình thức thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc khi mua các mặt hàng thiết yếu.
79% người dân trên phạm vi toàn cầu và 91% người dân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ hiện đang sử dụng thanh toán không tiếp xúc “chạm-và-đi” (tap-and-go) vì đây là phương thức sạch hơn và an toàn hơn.
Cuộc thăm dò ý kiến người tiêu dùng của Mastercard về sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng tại 19 quốc gia trên thế giới đã cho thấy một bức tranh về tốc độ ứng dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc ngày càng tăng và sẽ tiếp tục được duy trì.
Hành vi mua trứng, giấy vệ sinh, thuốc và các nhu yếu phẩm khác của người tiêu dùng tại các cửa hàng đã thay đổi đáng kể trong năm nay. Người tiêu dùng phải thích nghi trước những thách thức mới khi mua đồ tiêu dùng hàng ngày, dẫn đến sự thay đổi rõ ràng trong hành vi mua sắm tại các điểm thanh toán - mọi người bày tỏ mong muốn sử dụng thẻ không tiếp xúc và thể hiện sự lo ngại về yếu tố vệ sinh cũng như tính an toàn tại điểm bán hàng.
Tại Việt Nam, song song với xu hướng thanh toán không tiếp xúc “chạm và đi”, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi tích cực nhằm thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử khác bao gồm thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, ví điện tử, ứng dụng di động và ngân hàng điện tử, theo định hướng của đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.
Việt Nam đang vượt lên các nước phát triển hơn trong khu vực, như Singapore và Malaysia, về thanh toán điện tử. Theo khảo sát chuyên sâu về người tiêu dùng toàn cầu của PWC, Việt Nam vừa qua ghi nhận sự tăng trưởng thanh toán di động nhanh nhất trên thế giới, từ 37% trong năm 2018 lên 61% trong năm 2019.
Ông Safdar Khan, Chủ tịch phụ trách các thị trường mới nổi khu vực Đông Nam Á của Mastercard nhận định: “Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường lớn thứ hai tại Ðông Nam Á, chỉ sau Indonesia, trong 6 năm tới. Chính phủ đã có nhiều biện pháp cổ vũ hoạt động thanh toán điện tử. Do đó, chúng tôi không hề nghi ngờ việc Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia không sử dụng tiền mặt. Ðó là lý do Mastercard đang tích cực hợp tác với Chính phủ và các đối tác - ngân hàng, Fintech, doanh nghiệp nhằm cải thiện các lựa chọn với thanh toán điện tử”.
Khảo sát mới đây do Mastercard thực hiện cho thấy nhận thức về an toàn và tiện lợi đã thúc đẩy ưu tiên sử dụng thẻ không tiếp xúc và nhắc người tiêu dùng về sự dễ dàng khi chỉ cần chạm thẻ. 46% số người được hỏi trên phạm vi toàn cầu đã dành vị trí thuận tiện nhất trong ví cho chiếc thẻ có tính năng thanh toán không tiếp xúc. 51% người dân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thực hiện việc chuyển đổi này.
Đại dịch đã làm gia tăng lo ngại về việc sử dụng tiền mặt và giúp người dân có nhận thức tích cực về thanh toán không tiếp xúc do sự an toàn mà hình thức thanh toán này mang lại. Phần lớn những người được khảo sát (82%) trên toàn cầu cho rằng thanh toán không tiếp xúc là hình thức thanh toán sạch hơn, tỷ lệ này tại châu Á - Thái Bình Dương là 80%. Thanh toán không tiếp xúc tăng gấp 10 lần so với các phương thức thanh toán tiếp xúc trực tiếp khác và cho phép khách hàng ra vào cửa hàng nhanh chóng hơn.
Cũng theo kết quả khảo sát, chúng ta đang trải qua giai đoạn mà người tiêu dùng đặc biệt chú ý tới việc mua hàng. Điều này sẽ đẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc tại các thị trường phát triển, đồng thời khuyến khích thanh toán không tiếp xúc tại các thị trường mới. Xu hướng này sẽ được duy trì. 74% người dân trên toàn cầu và 75% người dân tại các nước châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc sau khi đại dịch kết thúc.
Nguyễn Tuân