Nữ sinh Nghệ An hỏi cách nói giọng Bắc, MC Khánh Vy xử trí bất ngờ
Ở buổi giao lưu này, MC Khánh Vy đóng vai trò là người dẫn chương trình, tương tác với các bạn trẻ là người dân tộc.
Trong phần giao lưu, em Xồng Vi Va, dân tộc Mông, đến từ một bản làng vùng sâu, vùng xa thuộc xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đặt câu hỏi tới MC Khánh Vy: “Làm cách nào để có thể nói giọng Bắc tốt như chị?”.
Nữ sinh viên năm thứ ba khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội tiếp lời: “Thực ra về vấn đề giọng nói, có rất nhiều người có thể nói được dễ dàng, nhưng có người không nói được. Về vấn đề này, em cảm thấy rất tự ti và thường không dám phát biểu trước lớp. Hiện nay em là sinh viên năm thứ ba nhưng việc phát biểu trước lớp là rất ít”.
Trả lời câu hỏi này, MC Khánh Vy cho hay, bản thân mình cũng là một người con quê Nghệ An như Xồng Vi Va.
“Giọng của Vi Va là một trong những thanh âm đẹp nhất mà tôi được nghe, bên cạnh vẻ bề ngoài của bạn. Vì vậy, bạn hãy cứ thoải mái nói tiếng và chất giọng Nghệ An, chứ không có gì phải sợ sệt”, MC Khánh Vy sử dụng tiếng Nghệ nói trước mọi người để "tiếp lửa" cho nữ sinh.
MC Khánh Vy dẫn chứng ngay người đứng đầu, dẫn dắt trường ĐH Sư phạm Hà Nội hiện nay - Giáo sư, hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh đến nay vẫn giữ nguyên việc nói tiếng và giọng quê hương Quảng Trị.
Chia sẻ thêm với Vi Va, GS Nguyễn Văn Minh nói: “Thực ra nếu chuyển sang giọng miền Bắc, tôi chuyển được, điều đó không khó và cần rèn luyện”.
GS Minh cho hay, mỗi nơi trên đất nước Việt Nam có một đặc trưng, đặc biệt riêng. “Giống như em Vi Va là người dân tộc. Việc giữ được bản sắc và giọng của dân tộc mới khó, còn chuyển giọng rèn luyện là làm được”, GS Minh nói.
Ông cũng dẫn chứng MC Khánh Vy cũng quê Nghệ An nhưng vẫn có thể nói giọng Bắc và có thể dẫn chương trình truyền hình. “Tôi nghĩ mỗi nơi có một đặc trưng vùng miền, nhưng điều quan trọng là mình nói tiếng phổ thông mọi người có thể nghe, hiểu là được”.
MC Khánh Vy cho rằng, việc nói thứ giọng nào còn phụ thuộc vào từng mục tiêu, mục đích. Ví dụ bản thân mong muốn đi dẫn chương trình, làm trong một tổ chức về quốc gia... cần nói giọng phổ thông để có thể tiếp cận với đại chúng nhiều hơn. “Không có gì bằng việc chúng ta luyện tập, cố gắng mỗi ngày. Bạn không thể ngay lập tức nói một chất giọng nào đó giống đến 100% được”, MC Khánh Vy đồng quan điểm với thầy Minh.
Em Xồng Vi Va tiếp tục đặt câu hỏi: “Trong trường hợp không nói được giọng Bắc suôn sẻ, khi thuyết trình hay khi nói trước mọi người, em có thể tự tin nói luôn bằng giọng Nghệ không?”.
“Tại sao lại không? Hoàn toàn có thể nói nếu dùng những từ ngữ phổ thông. Như chị nói phải tùy thuộc vào mục tiêu mà em hướng đến, điều quan trọng hơn hết là khi chúng ta nâng cao nội lực”, MC Khánh Vy đưa ra lời khuyên.