Tháng 5, "điểm đen" của TTCK?
Phiên giao dịch chứng khoán ngày đầu tiên của tháng 5 (04/05/2015) đã trở thành “điểm đen” của thị trường trong năm 2015 khi cả ba chỉ số đều sụt giảm mạnh.
VN-Index giảm 17,32 điểm (3,08%) còn 545,08 điểm. HNX-Index giảm 2,8 điểm (3,38%) còn 79,95 điểm. UPCoM-Index giảm 1,51 điểm (2,38%) còn 61,9 điểm.
Nhiều cổ phiếu đầu cơ đóng cửa giá sàn như ITA, KBC, HQC, HAR, PVX, FLC, KLF, GTN, VHG, ITQ và KMR. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm mạnh là BID (-6.9%), CTG (-5.6%), BVH (-4,2%) và FPT (-4.1%).
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), thị trường đang xấu đi nhanh chóng do có một số yếu tố tác động trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư như:
Hiệu ứng “Sell in May” (bán vào tháng 5) đang được lan truyền trong giới đầu tư.
Giá xăng nhiều khả năng sẽ sớm tăng trở lại do giá xăng dầu được áp tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1/5 và giá dầu thế giới đang phục hồi.
Các tin tức không thực sự tích cực đó cộng hưởng với diễn biến tiêu cực của cổ phiếu OGC đã tạo ra hiệu ứng bán mạnh trên cả 2 sàn trong phiên.
BSC cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm trong phiên tiếp theo do việc giảm theo đà và nhiều khả năng sẽ chưa dừng lại.
Hiệu ứng “Sell in May”
Tiến hành thống kê diễn biến tháng 5 của TTCK giai đoạn 2001 – 2014, BSC cho ra kết quả như:
Trong 14 năm qua, chỉ có 4 năm VN-Index tăng điểm vào tháng 5 (tăng bình quân 20.1%/năm) và có đến 10 lần giảm điểm (giảm bình quân 6.7%/năm).
Trong 5 năm gần đây (2010 – 2014), chỉ duy nhất TTCK tăng 9.2% trong tháng 5/2013, còn lại đều giảm điểm với mức giảm cao nhất là -12.2% (năm 2011) và mức giảm thấp nhất là 2.8% (năm 2014).
Về tỷ lệ tăng/giảm của khối lượng khớp lệnh (KLKL) tháng 5 so với bình quân KLKL 4 tháng trước đó, có 7 lần tỷ lệ này dương và 7 lần tỷ lệ này âm. Trong 5 năm gần nhất, tỷ lệ này dương 3 lần và âm 2 lần, chỉ dao động trong phạm vi -18% đến +55%, cho thấy biến động KLKL không quá lớn, và không có nhiều mối liên hệ với sự tăng/giảm của VN-Index.
Như vậy, hiệu ứng "Sell in May" có vẻ như đang được lịch sử ủng hộ khi thị trường giảm điểm 10/14 lần trong tháng 5 của 14 năm qua, và tỷ lệ này trong 5 năm gần nhất là 4/5 (80%). Liệu tháng 5 năm nay, TTCK Việt Nam có đi ngược lại được lịch sử như đã làm trong các năm 2001, 2007, 2009 và 2013 vẫn chỉ là câu hỏi?
Những đợt giảm mạnh của thị trường
Các đợt giảm điểm mạnh thường kéo dài không dưới 17 ngày, ngoại trừ đợt điều chỉnh kéo dài 5 ngày hồi 29/1/2015. Mức độ giảm điểm bình quân là 7.5%/đợt, và mức tăng điểm bình quân của đợt phục hồi sau đó là 6.3%/đợt.
Đợt điều chỉnh càng kéo dài thì mức độ giảm điểm càng tăng, đồng thời đợt phục hồi sau đó có khả năng kéo dài và mức độ hồi phục cũng lớn hơn. Độ dài của các đợt điều chỉnh và các đợt phục hồi cũng như mức độ biến động của từng đợt tăng giảm đan xen và không tuân theo quy luật nào.
TT | Ngày bắt đầu | Ngày kết thúc | Độ dài (ngày) | % giảm | Độ dài phục hồi | % phục hồi |
1 | 9/9/2014 | 29/9/2014 | 20 | -3.5% | 9 | 4.3% |
2 | 10/10/2014 | 27/10/2014 | 17 | -6.0% | 15 | 3.6% |
3 | 13/11/2014 | 17/12/2014 | 34 | -14.1% | 41 | 10.5% |
4 | 29/1/2015 | 3/2/2015 | 5 | -4.4% | 28 | 6.9% |
5 | 5/3/2015 | 1/4/2015 | 27 | -9.7% | ||
Trung bình: -7.5% 6.3% |
Nguồn BSC
Đợt điều chỉnh càng kéo dài thì mức độ giảm điểm càng tăng, đồng thời đợt phục hồi sau đó có khả năng kéo dài và mức độ hồi phục cũng lớn hơn. Độ dài của các đợt điều chỉnh và các đợt phục hồi cũng như mức độ biến động của từng đợt tăng giảm đan xen và không tuân theo quy luật nào.