Thảm họa Tiếng Anh trong tờ giấy khen song ngữ
Một phụ huynh có con học lớp 7 trường THCS Trần Quốc Toản, Hồng Hà, TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, mới đây con chị cầm về một tờ giấy khen của trường khen tặng thành tích học sinh giỏi của học sinh. Chị thấy hơi lạ vì tờ giấy khen có thiết kế hiện đại và lạ vì được viết bằng hai ngôn ngữ Anh - Việt.
Trước đây, giấy khen có Quốc huy nhưng tờ giấy khen này không có. Bên phải giấy khen là phần ghi tiếng Việt có dòng chữ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập tự do hạnh phúc. Dưới đó ghi Trường THCS Trần Quốc Toản - TP Hạ Long tặng giấy khen cho em N.T.T lớp 7 đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học 2015-2016.
Đóng dấu, ký tên là Hiệu trưởng Đàm Thị Thanh Tâm. Phần này ngoài việc không có Quốc huy nội dung cơ bản không khác các giấy khen vẫn dùng.
Tờ giấy khen gây tranh cãi vì được thể hiện song ngữ không chuẩn, không có quốc huy Việt Nam |
Tuy nhiên, điều đáng nói là phần ghi tiếng Anh trong tờ giấy khen này đang gây tranh cãi bởi rất nhiều ý kiến khẳng định là không chuẩn, dịch khá máy móc từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Việc dịch này nhiều người cho rằng không đúng vì người nước ngoài không dùng từ Dean's List để gọi tên giấy khen, hay bằng khen mà dùng Certificate.
Trong tiếng Anh có một từ chỉ việc trao giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận như award, certify... Họ không dùng từ "Donate" như trên tờ giấy khen được cho là của trường THCS Trần Quốc Toản.
Chị Hoàng Thanh Nhàn, vốn là thư ký của một vị tổng giám đốc người nước ngoài, rất bất ngờ khi nhìn tờ giấy khen này. Chị cho biết, đây là cách dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh nên không chuẩn vì dịch theo cách "word by word" (Chỉ dịch từ ngữ sang từ ngữ mà không đúng chuẩn ngữ pháp). Nhất là để làm giấy khen thì càng không chuẩn. Nếu muốn có một tờ giấy khen song ngữ thì nhất thiết phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Vì dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài họ không hiểu và có cảm giác buồn cười.
Chị Nhàn ví dụ, trong tờ giấy khen có từ in some register book (là vào sổ khen thưởng) ở dòng cuối cùng tờ giấy khen phần chữ tiếng Anh, người nước ngoài đọc sẽ không hiểu... Chị Nhàn còn rất cẩn thận dịch lại nội dung tờ giấy khen theo cách chuẩn nhất mà người nước ngoài họ vẫn thường làm để đối chiếu với tờ giấy khen của trường THCS Trần Quốc Toản.
Mẫu tờ giấy khen tương đối chuẩn bằng tiếng Anh mà chị Hoàng Thanh Nhàn cung cấp cho PV |
Trên mạng xã hội, một thành viên bình luận, bản dịch tiếng Anh của tờ giấy khen là sai cơ bản. Ở đây, chúng ta không bàn chuyện đúng sai bởi có thể nhà trường không biết mẫu làm giấy khen chuẩn theo tiếng nước ngoài. Không biết thì sửa, theo tôi, không quá nặng nề chuyện này vì chưa có mẫu quy định.
Vấn đề là sau câu chuyện này, trên cả nước làm thế nào để không bao giờ xảy ra chuyện dở cười dở khóc như tờ giấy khen của trường THCS Trần Quốc Toản nữa. Để mỗi tờ giấy, văn bản tôn vinh cá nhân, tập thể được thể hiện bằng tiếng nước ngoài phải chuẩn mực phù hợp với thông lệ quốc tế chứ không phải chỉ là một tờ giấy được viết sai, gây phản cảm và làm giá trị khen thưởng tôn vinh trở nên kém giá trị đi dù giá trị là lớn nhỏ thế nào...
Trao đổi với PV Infonet, ông Mai Quang Vinh, Phó phòng Giáo dục Đào tạo TP Hạ Long cho biết, ông chưa nghe có thông tin về việc có giấy khen song ngữ vì không có quy định nào cho phép được viết giấy khen hoặc bằng khen có tiếng nước ngoài. Vì, chương trình dạy và học là tiếng Việt. Việc có trường làm giấy khen không đúng quy định ông chưa nắm được...
Để có thông tin hai chiều về tờ giấy khen gây tranh cãi, PV đã liên lạc với bà Đàm Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản để hỏi về việc ai quy định và thiết kế mẫu giấy khen như trên và có biết đã bị dịch sai...? Tuy nhiên, chúng tôi không liên lạc được với bà Hiệu trưởng.