Tăng trưởng tín dụng trong bất động sản đã giảm
Hà Thu Giang, Vụ phó phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản luôn tăng trong những năm qua nhưng đã giảm từ trên 26% năm 2018 và duy trì chỉ còn 15,37% năm 2021.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều chỉ đạo trong lĩnh vực kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, nhằm nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro.
Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tập trung nguồn vốn tín dụng cho vay vào các dự án khả thi, đảm bảo tính pháp lý, tính thanh khoản, có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ có khả năng tiêu thụ cao,…
“Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với bất động sản thuộc phân khúc tiêu dùng và tự sử dụng của cá nhân thời gian qua luôn chiếm tỷ trọng cao, trên 60% dư nợ bất động sản. Điều này cho thấy ngành ngân hàng đã tập trung vốn để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân”, bà Hà Thu Giang khẳng định.
Gói tín dụng 40.000 tỷ bao giờ được triển khai?
Về câu chuyện nhà ở xã hội triển khai theo Nghị quyết 43 của Chính phủ, một trong những nhóm đối tượng được thụ hưởng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) quy định về gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% bao gồm các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.
Nhóm thứ hai là người mua nhà hoàn toàn có thể tiếp cận thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) theo quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ. Quy mô về nhà ở xã hội theo Nghị định 100 năm 20022 và 2023 là 15 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2022 là 6.800 tỷ đồng.
“Đến nay, NHCSXH đã giải ngân cho người vay thuộc đối tượng thụ hưởng tại Nghị định 100. Các chi nhánh NHCSXH đang rất tích cực triển khai chương trình cho vay nhà ở theo Nghị định này”, bà Hà Thu Giang thông tin.
Nghị định số 31 của Chính phủ quy định mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm cho gói tín dụng 40.000 tỷ đồng. Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (20/5/2022) đến ngày 31/12/2023.
Về tình hình triển khai gói tín dụng này, bà Hà Thu Giang cho biết, một số ngân hàng đã ban hành quy trình nội bộ, số còn lại đang tích cực triển khai xây dựng quy trình nội bội. Đến nay NHNN cũng đã hoàn tất việc tổng hợp đăng ký giải ngân và đã gửi các Bộ, ngành liên quan để báo cáo Quốc hội. NHNN cũng đã thông báo đến các NHTM để các ngân hàng có thể tổ chức triển khai theo thực tế.
Về việc quản lý gói tín dụng này, tại Nghị định Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN đã quy định rõ những nguyên tắc, quy trình thực hiện và quản lý gói hỗ trợ lãi suất.
Nghị định 31 cũng đã quy định nguyên tắc hỗ trợ, khách hàng phải đáp ứng điều kiện cho vay thương mại thông thường, có đề nghị hỗ trợ lãi suất. Việc quản lý cũng như thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất sử dụng sai mục đích, sai đối tượng cũng đã được quy định rõ tại Nghị định này.
Ngân Giang