Tăng giá điện tác động tới sản xuất là không lớn?
Tăng giá điện tác động tới sản xuất là không lớn?
Giá điện tăng thêm 5% từ 1/7
Chật vật vì "ông điện" tăng giá
Tăng 5% chỉ khiến giá thành tăng 0,5%
Ngành điện bất ngờ tăng giá bán điện bình quân lên 1.369 đồng/kwh, tương đương mức tăng 5% khiến không ít người tiêu dùng, DN cảm thấy "sốc". Một điều dễ hiểu là tâm lý người dân bao giờ cũng nhạy cảm với chuyện tăng giá, nhất là đối với giá điện. Thế nên, cùng thời điểm giá xăng giảm nhiệt và giá điện tăng giá, thì câu chuyện giá điện luôn thu hút sự quan tâm của dự luận nhiều hơn cả.
Bộ Tài chính cho rằng, tác động tăng giá điện đến sản xuất là không lớn |
Có quan điểm cho rằng, phải chăng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang xuống mức thấp kỷ lục, việc ngành điện tăng giá sẽ là lực đẩy "kéo" CPI tăng trở lại? Nhưng, lần này, câu chuyện tăng giá của "ông điện" lại đang dẫn tới những lo ngại ngược chiều.
Trong lúc sức mua của người dân rất thấp, "nhà nhà người người" tiết kiệm chi tiêu thì việc tăng giá bất cứ mặt hàng nào, nhất là với mặt hàng điện sẽ chỉ khiến người dân thêm xiết chặt hầu bao. Còn về phía DN, nỗi lo hàng tồn kho quá lớn chưa giải quyết được bao nhiêu, thì nay điện tăng giá sẽ càng khiến DN thêm chi phí, khó khăn càng chồng lên khó khăn.
"Nợ cũ trả chưa xong, chi phí tăng thêm, DN cũng không thể tăng giá bán sản phẩm, vì như thế càng chỉ khiến DN "chết" nhanh hơn" – giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc chia sẻ.
Chưa kể, điện là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, điện tăng giá kéo theo đồng loạt các mặt hàng khác "ăn theo".
Xoay quanh câu chuyện ngành điện tăng giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, tác động của đợt tăng giá vừa rồi đối với các ngành sản xuất là không lớn.
Bà Minh tính toán, với việc tăng giá điện thêm 5% như vừa rồi các DN tại những lĩnh vực sử dụng nhiều điện nhất như hóa chất và luyện kim, chi phí tiền điện chiếm 10% giá thành, thì tác động tương ứng cũng chỉ 0,5% tính vào giá thành.
“Tuy nhiên, nếu các DN điều chuyển giờ sử dụng điện linh hoạt hơn, tránh các giờ cao điểm thì giá thành điện thấp hơn, tác động giá điện tới giá thành sản phẩm là rất ít”, Thứ trưởng Minh cho biết.
Chính phủ yêu cầu ngành điện rút kinh nghiệm
Khẳng định việc tăng giá điện thêm 5% vừa qua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là nằm trong kế hoạch, theo đúng thẩm quyền của Bộ Công thương và EVN. Nhưng, việc tuyên truyền của các cơ quan quản lý chưa "khéo" dẫn tới chuyện lòng dân vẫn chưa thuận.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ quan điểm của Chính phủ xung quanh chuyện "ông điện" tăng giá thêm 5% trong lúc nền kinh tế, sức khỏe của DN và đời sống người dân đang rất khó khăn.
Khẳng định mức tăng giá điện 5%, lên 1.369 đồng/kwh hoàn toàn nằm trong kế hoạch và thẩm quyền của Bộ Công thương, EVN, Bộ trưởng Đam tỏ ra thông cảm với một bộ phận người dân, DN sẽ phải "gánh" thêm chi phí nếu giá điện tăng cao.
"Chính phủ rất chia sẻ với những khó khăn của DN và một bộ phận người dân, nhưng Chính phủ cũng kêu gọi DN và nhân dân phải nhìn vào mục tiêu lớn để cùng nhau nỗ lực” – Bộ trưởng Đam thẳng thắn.
Tuy vậy, người phát ngôn của Chính phủ "chê" ngành điện đã vội vàng và chưa tuyên truyền đúng mức để tạo được sự đồng thuận trong dân chúng. "Chính phủ đã có ý kiến với Bộ Công thương và EVN phải rút kinh nghiệm trong điều hành, nhất là công tác tuyên truyền mỗi lần tăng giá, nhất là với mặt hàng nhạy cảm như điện, tác động tới hầu hết mọi mặt đời sống nhân dân thì công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn nữa" – Bộ trưởng nêu ý kiến.
Theo Bộ trưởng Đam, định hướng về lâu dài một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu... sẽ phải đưa về theo đúng giá thị trường. Hiện giá điện đang được bán dưới giá thành, dẫn tới những hệ lụy không tốt cho các ngành sản xuất khác "ăn theo" điện như giá than bán cho điện; các ngành sản xuất công nghiệp tiêu tốn điện năng đang được hưởng lợi lớn do giá điện thấp... Do đó, nếu giá điện được tính đúng, tính đủ thì kết quả sản xuất kinh doanh của các ngành hàng sẽ công bằng hơn.
Chính phủ cũng đã khẳng định, việc điều chỉnh giá nói chung và giá điện nói riêng phải đảm bảo một số yêu cầu, mà yêu cầu đầu tiên là phải làm một cách công khai, minh bạch về giá thành, lỗ lãi, lý do vì sao tăng, vì sao giảm.
Trong trường hợp điều chỉnh tăng thì cũng không được làm ảnh hưởng tới người nghèo, người khó khăn và những đối tượng cần khuyến khích.
"Tới đây định hướng không chỉ mặt hàng điện, mà các mặt hàng thiết yếu khác như xăng dầu, nước... cũng sẽ phải thực hiện theo giá thị trường để có cơ cấu giá hợp lý, đúng quy luật, khuyến khích sự phát triển các ngành nghề kinh tế" – Bộ trưởng Đam chốt lại.
Trường Giang