Tân Hoa Xã: Chính sách của Mỹ ở châu Á là “thiển cận”
Phía Trung Quốc cho rằng thực chất, chuyến công du tới châu Á lần này của Tổng thống Obama là nhằm kìm hãm sự lớn mạnh của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Nhật Bản – trụ cột chính trong chiến lược an ninh của Mỹ tại châu Á, hiện đang phải đối mặt với những căng thẳng ngày càng lớn trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc và mối đe dọa tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh an ninh chiến lược của Mỹ tại châu Á |
Theo hãng tin Reuters, thách thức đặt ra cho Tổng thống Obama trong suốt chuyến thăm kéo dài một tuần tới 4 quốc gia châu Á lần này là việc thuyết phục các đối tác rằng Washington vẫn đặc biệt qua tâm tới chiến lược “trục châu Á” đồng thời không gây tổn hại tới mối quan hệ với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trước thời điểm ông Obama đặt chân tới Nhật Bản, giới truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích chính sách mà Mỹ đang áp dụng tại châu Á là “một lộ trình đã được tính toán cẩn thận nhằm kìm hãm sự phát triển nhanh chóng của gã khổng lồ châu Á”.
Trả lời tờ Yomiuri (Nhật Bản), ông Obama nhấn mạnh Washington hoan nghênh sự phát triển trong hòa bình của Trung Quốc, “lời cam kết của chúng tôi với Trung Quốc hiện không và sẽ không ảnh hưởng tới Nhật Bản hay bất cứ đồng minh nào khác”.
Ngoài Nhật Bản, Tổng thống Obama cũng sẽ tới thăm Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Tuy nhiên, ngoài chương trình bàn thảo về các cuộc tranh chấp với Trung Quốc, giới lãnh đạo châu Á cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm tới phản ứng của ông Obama đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Thậm chí, một số quốc gia láng giềng gần Trung Quốc lo ngại Washington đang tỏ ra yếu thế trước Bắc Kinh. Bởi Tổng thống Obama đã không thể kiềm chế Nga đặc biệt sau sự kiện sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea hồi tháng trước.
Tuy nhiên, ông Obama vẫn khẳng định với Nhật Bản rằng hiệp ước an ninh song phương giữa hai nước sẽ bảo vệ những hòn đảo nhỏ trên biển Hoa Đông hiện đang nằm trong tâm điểm tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.