Tầm soát ung thư hiểu như thế nào cho đúng?
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoa 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, tầm soát ung thư là cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư và điều trị.
Tầm soát ung thư hiểu như nào cho đúng? (Ảnh minh họa) |
Chụp PET/CT có thể biết các mầm ung thư
Nhiều người tin rằng có thể tìm ra bệnh ung thư từ trong trứng nước bằng cách thực hiện các biện pháp chiếu chụp.
Anh Nguyễn Văn Trường – 40 tuổi, Hà Nội chi 20 triệu đồng đến 1 bệnh viện chụp PET/CT vì anh đọc quảng cáo nghe nói PET có thể phát hiện ung thư từ trong trứng nước để biết sớm và tiêu diệt luôn.
Khi cầm kết quả chụp PET/CT có điểm cảnh báo bệnh, anh Trường vô cùng hoang mang. Dù bác sĩ cho rằng khả năng đó là u, viêm nhiễm thông thường nhưng anh vẫn lo lắng.
Anh mang kết quả của mình tìm tới 1 chuyên gia nhờ tư vấn. Khi nghe tư vấn, anh Trường mới giãn cơ trán, bớt lo lắng hơn.
Anh cho biết nếu biết chụp vừa tốn tiền vừa mất ăn mắt ngủ 3 ngày qua chắc anh không thực hiện.
BS Nguyễn Văn Tiến cho biết tầm soát ung thư là phát hiện ung thư ở những bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Mục đích của tầm soát ung thư là phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc bệnh lý ung thư ở giai đoạn thật sớm, từ đó có thể can thiệp rất hiệu quả và thậm chí là có thể ngăn ngừa tiến triển thành ung thư.
Ung thư nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm thường có kích thước nhỏ và có thể được điều trị khỏi một cách dễ dàng. Việc điều trị sớm có thể giúp kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân. Thỉnh thoảng, việc tầm soát có thể phát hiện được các tế bào bất thường nhưng vẫn chưa chuyển thành tế bào ung thư – thường được gọi là giai đoạn tiền ung thư.
Bác sĩ có thể điều trị bệnh ở giai đoạn này rất tốt và bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn trước khi bệnh chuyển biến thành ung thư.
Hiểu lầm tầm soát
Tuy nhiên, bác sĩ Tiến lại cho rằng rất nhiều người nghĩ rằng cứ xét nghiệm máu hay chụp CT toàn thân là có thể phát hiện được ung thư. Chưa kể các xét nghiệm này có chi phí rất đắt, việc xét nghiệm máu tìm ung thư (thực chất là tìm các đột biến gen có thể dẫn đến ung thư và các chất đánh dấu ung thư trong máu) cũng chỉ có thể phát hiện 8-10 bệnh ung thư trên các bệnh nhân có nguy cơ; hay chụp CT toàn thân (SPECT, PET/CT…) cũng chỉ giúp phát hiện các khối u đang hoạt động ở những bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ và không thể phát hiện một số bệnh lý ung thư như ung thư máu…
Lợi ích của việc tầm soát ung thư là phát hiện ra sớm căn bệnh này hay thậm chí là ngăn chặn nó trước khi nó trở thành ung thư. Lợi ích này cần phải được cân nhắc trước mọi nguy cơ có thể xảy ra khi thực hiện việc tầm soát. Nguy cơ có thể là lo lắng, đau đớn, chảy máu hay các tác dụng phụ. BS Tiến cũng nhấn mạnh không phải lúc nào việc tầm soát cũng là tốt.
Đôi khi tầm soát bỏ sót ung thư mặc dù nó đã hiện diện trong cơ thể. Và cũng có thể việc tầm soát cũng phát hiện một số kết quả nghi ngờ mặc dù nó không phải là ung thư (gọi là dương tính giả), và do đó người bệnh cần phải được xét nghiệm thêm và chịu thêm các nguy cơ và lo lắng.
Không phải tất cả các loại bệnh lý ung thư đều có xét nghiệm tầm soát hiệu quả (mang lại lợi ích nhiều hơn nguy cơ).
Do đó các tổ chức ung thư lớn trên thế giới đã đưa ra các khuyến cáo về việc tầm soát ung thư dựa trên các bằng chứng y khoa. Các khuyến cáo này sẽ hướng dẫn người dân về các xét nghiệm tầm soát nào họ nên làm, khi nào nên làm và bao lâu nên làm một lần. Người càng có nguy cơ cao, do tuổi tác, tiền sử gia đình hay các yếu tố khác thì việc tầm soát càng có lợi hơn là các nguy cơ có thể xảy ra.
Loại ung thư nào thỏa mãn các tiêu chuẩn sau thì sẽ phù hợp để đưa vào chương trình tầm soát:
• Có giai đoạn tiền ung thư kéo dài
• Có phương tiện tầm soát hiệu quả
• Có thể điều trị hiệu quả các tổn thương tiền ung thư
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, việc tầm soát chỉ nên được thực hiện nếu nó cung cấp lợi ích cho những người được tầm soát. Ví dụ, một xét nghiệm nên làm giảm số lượng tử vong từ bệnh mà không gây tổn hại quá mức cho những người không mang bệnh. Tổn hại có thể là lo âu, đau, chảy máu hoặc các tác dụng phụ khác. Nhưng có thể khó đánh giá lợi ích thực sự của bất kỳ chương trình sàng lọc ung thư nào.
Một số ung thư vú, đại trực tràng, cổ tử cung đã được chứng minh tầm soát có thể giảm tỉ lệ tử vong do bệnh, còn các ung thư khác như buồng trứng, tụy, tuyến giáp,… chưa cho thấy vai trò của tầm soát trong việc giảm tỉ lệ tử vong.
Ngoài ra, bác sĩ Tiến cho biết thêm kết quả xét nghiệm tầm soát có thể xuất hiện bất thường mặc dù không có ung thư. Kết quả xét nghiệm dương tính giả có thể gây lo lắng và thường được làm tiếp theo bởi nhiều xét nghiệm và thủ thuật hơn.
Kết quả xét nghiệm tầm soát có thể có cho kết quả bình thường mặc dù có ung thư hay còn gọi âm tính giả, kết quả này còn nguy hiểm hơn nhiều. Một người nhận kết quả xét nghiệm âm tính giả (kết quả cho thấy không có ung thư, khi thực sự có) có thể làm chậm trễ việc điều trị ngay cả khi có triệu chứng.
Khánh Chi