Nhiều bà mẹ chỉ quan tâm cân nặng mà quên mất chiều cao của con và hệ quả nhãn tiền
Hiện nay, nhiều bà mẹ chỉ quan tâm đến sự phát triển cân nặng, mà chưa quan tâm, chú ý đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Trẻ cứ tăng cân đều đều dẫn đến thừa cân từ lúc nào cũng không hay biết.
Nhiều bà mẹ chỉ quan tâm cân nặng mà quên mất chiều cao của con và hệ quả nhãn tiền |
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo bố mẹ cần kiểm soát cân nặng ở mức “nên có” của trẻ để dự phòng tình trạng thừa cân - béo phì. Bởi khi trẻ thừa cân, béo phì sẽ đối diện với rất nhiều nguy cơ bệnh tật. Lúc đó, việc giảm cân lại trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến,Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc đánh giá cân nặng chiều cao của trẻ rất đơn giản. Chỉ cần cân và thước, hàng tháng, bà mẹ cân trẻ và đo chiều cao vào một ngày nhất định, trước lúc ăn hoặc sau ăn để có số liệu chính xác (chú ý chỉ mặc quần áo mỏng hoặc trừ quần áo).
Với trẻ dưới 24 tháng tuổi đo chiều dài nằm và từ 24 tháng tuổi trở lên đo chiều cao đứng. Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh, lúc mới sinh trung bình khoảng 3.000gam (3kg). Nếu cân nặng dưới 2.500 gam (2,5kg) thường là trẻ bị thiếu tháng hoặc bị suy dinh dưỡng bào thai (đẻ đủ tháng nhưng cân nặng dưới 2.500 gam). Do vậy, điều quan trọng nhất bà mẹ phải tự nhận thấy con mình đang phát triển bình thường, hay phát triển lệch một trong 2 chỉ số về cân nặng hay chiều cao, từ đó đưa ra chế độ ăn phù hợp với nhu cầu phát triển để dự phòng sớm thừa cân - béo phì.
Theo đó, một trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường khi ăn đủ nhu cầu sẽ tăng cân hàng tháng.
Ví dụ: Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh trung bình khoảng 3.000 gam (3kg); 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh tăng cân từ 1.000-1.200g/tháng; 3 tháng tiếp theo tăng cân từ 500-600g/tháng; 6 tháng tiếp theo chỉ tăng cân từ 300-400g/tháng, khi 1 tuổi trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9-10kg).
Trẻ từ 2-10 tuổi cân nặng tăng trung bình 2,4 kg/năm và có thể tính cân nặng của trẻ theo công thức sau:
Xn = 9,5 kg + 2,4 kg x ( N-1)
(Trong đó: Xn là cân nặng hiện tại của trẻ (kg); 9,5 là cân nặng của trẻ lúc 1 tuổi; 2,4 là cân nặng tăng trung bình trong 1 năm; N là số tuổi của trẻ tính theo năm).
Như vậy, với trẻ 1 tuổi thì cân nặng là:
9,5 kg + 2,4 kg x ( N-1) = 9,5 + 2,4 kg x (1-1) = 9,5kg
Với trẻ 2 tuổi thì cân nặng là:
9,5kg + 2,4kg x (2-1) = 9,5kg + 2,4kg = 11,9kg
Tương tự, với chiều cao, BS Nguyễn Văn Tiến cho biết, khi trẻ 1 tuổi có chiều dài gấp 1,5 lần lúc mới sinh (75cm), trẻ 2 tuổi chiều cao là 86-87cm (bằng 1/2 chiều cao người trưởng thành), trẻ 3 tuổi có chiều cao là 95-96cm, trẻ từ 4 - 10 tuổi chiều cao tăng trung bình 6,2cm/năm.
Chiều cao trung bình của trẻ từ 2 tuổi có thể áp dụng công thức sau:
Xc = 95,5 cm + 6,2 cm x (N-3)
(Trong đó: Xc là chiều cao nên có của trẻ (cm); 95,5 là chiều cao của trẻ lúc 3 tuổi; 6,2 là chiều cao tăng trung bình trong 1 năm; N là số tuổi của trẻ tính theo năm)
Ví dụ với trẻ 4 tuổi thì chiều cao là:
95,5cm + 6,2cm x (4-3) = 95,5 cm + 6,2cm x 1 = 101,7cm.
Trả lời câu hỏi, làm thế nào để xác định được trẻ béo phì, BS Tiến cho biết, bà mẹ cần phải biết chính xác cân nặng, chiều cao của trẻ, sau đó dựa vào bảng Z-score cân nặng/chiều cao theo tuổi và BMI theo tuổi của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006 để đánh giá theo ngưỡng phân loại trên.
Cụ thể: Đối với trẻ dưới 5 tuổi được coi là đã bị thừa cân khi chỉ số cân nặng theo chiều cao hiện đã vượt quá 2 độ lệch chuẩn (SD) nhưng chưa vượt quá 3 SD; Trẻ bị béo phì khi có chỉ số cân nặng so với chiều cao vượt quá 3 SD.
Đối với trẻ trên 5 tuổi (6-19 tuổi) bị thừa cân khi có BMI theo tuổi vượt quá 2 SD nhưng chưa vượt vượt quá 3 SD (2SD < BMI theo tuổi ≤3 SD); Trẻ được coi là béo phì khi BMI theo tuổi vượt quá 3 SD (3 SD < BMI theo tuổi).
Để giúp trẻ thừa cân béo phì, các bác sĩ đã đưa ra hướng điều trị trong đó, chế độ ăn là nguyên tắc cơ bản để hạn chế nguồn cung cấp năng lượng dư thừa của trẻ.
Tuy nhiên, trẻ em là cơ thể đang lớn do đó chỉ hạn chế thực phẩm giầu năng lượng như dầu mỡ, đường, bánh kẹo ngọt và cho trẻ ăn hạn chế tinh bột. Mục tiêu sao cho trong những tháng đầu kiểm soát chế độ ăn trẻ không tăng cân hoặc tăng <0,5kg/ tháng
Tiếp đến là thể dục trị liệu. Đây là biện pháp đơn giản làm giảm lượng mỡ dư thừa trong cơ thể. Theo đó, các bậc phụ huynh nên hướng cho trẻ tìm môn thể thao phù hợp mà trẻ thích mới áp dụng được. Các môn thể thao thường là nhảy dây, bơi lội, chạy hoặc đi bộ nhanh khoảng 60 phút/ ngày.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng cần phải giải thích cho trẻ biết những hậu quả của béo phì cũng như khó hoà nhập với các bạn ở trường hoặc bị bạn trêu đùa. Trong 1 số trường hợp béo phì mức độ nặng cần chuyển trẻ đến các nhà tâm lý liệu pháp.
N. Huyền