Tam Nông tăng tốc xây dựng nông thôn mới
Là một trong những huyện được tái lập năm 1997 của tỉnh Phú Thọ, hơn 20 năm qua, kinh tế Tam Nông có nhiều khởi sắc, nhất là từ khi huyện đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều bứt phá toàn diện
Qua 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế xã hội của huyện nghèo Tam Nông đã có những bước bứt phá, phát triển toàn diện. 19 tiêu chí xây dựng NTM được triển khai về các xã đã mang về hiệu quả, chất lượng các xã NTM được nâng lên rõ rệt. Hạ tầng NTM đã thay da đổi thịt (đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp; trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang), đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Theo ông Quách Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông: Trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện Tam Nông đã thực hiện đầu tư, nâng cấp đưa vào khai thác sử dụng với tổng chiều dài 134,93km các tuyến đường giao thông liên huyện và đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã, thị trấn với tổng kinh phí thực hiện trên 440,9 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2021, gần 80km đường huyện đã cứng hoá 100%; đường trục xã đã cứng hóa được 57,55km, đạt tỷ lệ 93,73%; đường trục thôn xóm đã cứng hoá được 202,69km, đạt tỷ lệ 82,55%; đường ngõ xóm đã cứng hóa 175,57km, đạt tỷ lệ 79,83%; đường trục chính nội đồng tỷ lệ cứng hoá đạt 32,58%.
![]() |
Qua 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tam Nông đã "thay da đổi thịt". Ảnh: Anh Hùng |
So với cuối năm 2020, tỷ lệ cứng hoá đường giao thông toàn huyện đạt 73,98% thì nay con số này đã trên 90%. Không chỉ với hạ tầng giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, nước sạch, trạm y tế… cũng được huyện đầu tư xây mới hoặc chỉnh trang nâng cấp. Hiệu quả đạt được trong phát triển hạ tầng (giao thông, thủy lợi, y tế…) nông thôn ở Tam Nông cho thấy sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm hướng đến xây dựng diện mạo mới cho địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững.
Nhiều xã hướng tới chuẩn nông thôn mới nâng cao
Trong các xã đi đầu phong trào xây dựng NTM ở Tam Nông, Dị Nậu là một trong những xã có thành tích rất ấn tượng. Theo bà Vũ Thị Hiền, một nông dân khu 1, xã Dị Nậu cho biết: “Thông qua thực hiện công khai dân chủ, người dân chúng tôi đều đồng thuận với các chủ trương xây dựng NTM của Đảng, Nhà nước và địa phương. Chính vì vậy, việc xây dựng các công trình công cộng như: nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn được thực hiện thành công, trong đó nhiều hộ dân còn sẵn sàng hiến đất làm đường, góp công, góp của cùng chính quyền tích cực vào công cuộc xây dựng NTM. Và năm 2021 này, xã Dị Nậu đã chính thức cán đích NTM”.
Ngoài Dị Nậu, các xã như Hiền Quan, Hương Nộn, Tề Lễ… cũng có những bước nhảy vọt về hạ tầng. Bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ vào việc thực hiện xây dựng NTM của địa phương. Tuy nhiên, với nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của người dân, công cuộc xây dựng NTM ở các xã khó khăn của Tam Nông vẫn được tiến hành đúng hướng với các chỉ tiêu băng băng về đích. Thành công này đến từ một phần không nhỏ từ việc chính quyền cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân. Nhiều điển hình gương người tốt, việc tốt xuất hiện như: Hiến đất, góp hiện vật và thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng...
Tính đến 9/2021, huyện Tam Nông có 5/11 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã NTM, 6 khu đạt NTM kiểu mẫu, 6 xã còn lại đã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí và đang hoàn thiện hồ sơ, đề nghị thẩm định trình công nhận. Không dừng lại ở đó, các xã đã đạt chuẩn NTM cũng phấn đấu xây dựng chuẩn NTM nâng cao. Được biết, các xã này đã lựa chọn và đề ra phương hướng cụ thể, để thực hiện từng tiêu chí rõ ràng và quyết tâm thực hiện các tiêu chí đạt theo từng năm và kế hoạch giao chỉ tiêu.
![]() |
Cánh đồng lúa ven sông Hồng tại huyện Tam Nông, Phú Thọ. Ảnh: Anh Hùng |
Đáng chú ý, trong các mô hình, dự án đầu tư phát triển sản xuất tại địa phương để cải thiện thu nhập cho người dân – một trong những tiêu chí khó nhất xây dựng NTM, Tam Nông đã có những cách làm khá thú vị. Cụ thể, mô hình cách đồng mẫu lớn (dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng sản xuất lúa cá, lúa sen hay mô hình trang trại quy mô lớn) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Với diện tích canh tác mở rộng, việc áp dụng KHKT vào sản xuất dễ dàng hơn, khâu tiêu thụ sản phẩm cũng vì thế chuyên nghiệp hơn trước. Khi kinh tế - xã hội phát triển, đời sống, thu nhập của người dân Tam Nông cũng vì thế được nâng cao cải thiện.
Được biết, hết năm 2021 toàn bộ 12 xã, thị trấn của huyện Tam Nông hoàn thành xây dựng NTM và đến năm 2023 có hai xã: Hương Nộn, Dân Quyền sẽ đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Toàn huyện cũng phấn đấu sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí mở rộng để được công nhận “Huyện đạt chuẩn NTM” vào năm 2024.
Nam Phương