Tại sao hệ thống tên lửa S-75 Dvina của Syria ‘60 năm vẫn chạy tốt’?
Syria mới đây đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina với 60 năm tuổi để tiêu diệt mục tiêu UAV hiện đại trong một cuộc diễn tập.
Sputnik dẫn truyền thông Syria cho biết, mới đây một sỹ quan trong lực lượng phòng không Chính phủ Syria khẳng định, các binh sĩ Syria đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina để bắn hạ một máy bay không người lái trong cuộc tập trận phòng không.
“Đồ cổ” S-75 Dvina đã lên đến đỉnh cao của tác chiến phòng không. Nguồn: huanqiu. |
Theo báo cáo, khi giới thiệu quá trình tập trận, Đại úy Lực lượng vũ trang Syria Mohammed Shahhir cho biết: “Khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ thì nhìn thấy một số biểu tượng máy bay xuất hiện trên màn hình. Chúng tôi ngay lập tức đưa ra cảnh báo. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng đó là một UAV đang bay về phía chúng tôi. Đầu tiên chúng tôi theo dõi nó, khi đó UAV này ở rất xa và không thích hợp để bắn hạ. Nhưng khi bay gần và vào tầm bắn hiệu quả, chúng tôi lập tức phóng tên lửa bắn hạ".
Tên lửa đã tấn công trúng mục tiêu một cách chính xác và phá hủy nó, đồng thời biểu tượng máy bay không người lái biến mất khỏi màn hình radar của hệ thống phòng không.
Hệ thống tên lửa phòng không S-75 của Liên Xô được phát triển từ những năm 1950 và vẫn còn hoạt động hiệu quả trong Quân đội Chính phủ Syria cho đến ngày nay. Hệ thống này đã được sử dụng trong chiến đấu chống khủng bố, chủ yếu là để tiêu diệt các UAV tự sát và nhiều lần lập được chiến công lớn cho Syria.
S-75 Dvina là một tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) tầm cao được điều khiển bằng hệ thống radar ba tác dụng do Liên Xô chế tạo. Kể từ khi được triển khai lần đầu tiên vào năm 1957, nó đã trở thành loại tên lửa phòng không được triển khai và sử dụng nhiều nhất trong lịch sử.
Cho tới nay, đây vẫn là hệ thống tên lửa phòng không đã bắn hạ nhiều máy bay nhất trong lịch sử chiến tranh. Tổ hợp này trở nên nổi tiếng lần đầu tiên khi một khẩu đội S-75 bắn hạ một chiếc máy bay do thám Lockheed U-2 của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, khi chiếc máy bay này đang bay do thám trên không phận của Liên Xô vào năm 1960.
Tổ hợp này cũng được sản xuất tại Trung Quốc với tên gọi HQ-1 và HQ-2 (Hồng Kỳ 1 và Hồng Kỳ 2). Một số quốc gia khác cũng sản xuất rất nhiều biến thể của S-75. Đặc biệt, S-75 đã lên đỉnh cao vinh quang của vũ khí phòng không trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.
S-75 Dvina là loại vũ khí phòng không được chế tạo để bảo vệ mục tiêu cố định là các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu dân cư lớn, các căn cứ quân sự, sở chỉ huy cố định và các yếu địa khác. Vì vậy, tính chất tác chiến chủ yếu của nó là cố định và đặc điểm cấu tạo của vũ khí này cũng phù hợp với các trận địa cố định.
Hệ thống S-75 sử dụng đạn tên lửa V-750 gồm tầng khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ hành trình nhiên liệu lỏng. Thông số cơ bản: chiều dài 10,6 m; đường kính 0,7 m; trọng lượng phóng 2.300 kg; đầu đạn 200 kg HE; bán kính sát thương 65 m; tầm bắn 50 km, trần bay 25 km.
Tên lửa SA-2 có nhược điểm là dùng nhiên liệu lỏng (gồm hai chất riêng biệt thường gọi là chất "O" và chất "Gh") cực kỳ độc hại, thường xuyên phải thay thế, tăng hạn mới có thể trực chiến lâu dài.
SA-2 hiện vẫn còn trong biên chế của quân đội một số nước, mặc dù đa phần các quốc gia khác đã loại biên hoặc hoán cải thành mục tiêu tập bắn cho các hệ thống phòng không hiện đại hơn.
NATO tập trận ‘phô trương sức mạnh’ trước thượng đỉnh Putin-Biden
Gần hai chục tàu của các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu tập trận ngoài khơi Bồ Đào Nha để thực hành chuyến đi sắp tới đến Biển Đen.
Đức Trí (lược dịch)