NATO ‘giật mình’ khi Nga triển khai Tu-22M3 ở Syria
Nga mới đây đã triển khai máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 đến Syria, đây được coi là “sự khởi đầu” cho một chiến lược tấn công chiều sâu nhằm vào NATO.
Theo Military Watch, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã triển khai máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 tới Căn cứ Không quân Hmeymim ở phía tây Syria. Sau khi Nga hoàn thành mở rộng đường băng ở căn cứ này vào tháng 2/2021, căn cứ đã đủ lớn để có thể chứa những máy bay ném bom mới này.
Về việc triển khai lần này, Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 sẽ đủ khả năng để tiến hành các nhiệm vụ huấn luyện ở biển Địa Trung Hải.
Máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga hạ cánh ở căn cứ Hmeymin/Syria. Nguồn: Sina. |
Sau khi được triển khai tới Syria, các máy bay ném bom trên sẽ tham gia các bài huấn luyện trên vùng trời thuộc biển Địa Trung Hải. Một khi hoàn thành các bài huấn luyện thì những máy bay này sẽ quay trở về Nga.
Mặc dù việc triển khai này sẽ không lâu dài, nhưng nó sẽ tạo tiền lệ cho các hoạt động thường xuyên của máy bay ném bom Nga trong khu vực. Theo Bộ Quốc phòng Nga, từ tháng 11/2015 đến tháng 8/2018, các máy bay Tu-22M3 đã hoàn thành 369 nhiệm vụ chiến đấu trên lãnh thổ Syria.
Trong các hoạt động này, các máy bay ném bom của Nga xuất phát từ căn cứ Không quân Mozdok ở Bắc Ossetia, Bắc Caucasus ở phía nam của Nga.
Các máy bay ném bom Tu-22M được đưa vào trang bị vào năm 1972 và khoảng một nửa trong số đó đã được biên chế cho Hải quân Liên Xô, sau đó là Không quân Hải quân Nga.
Máy bay ném bom này có khả năng tấn công hàng hải mạnh mẽ, tên lửa Kh-22 của nó có tầm bắn khoảng 600 km, tên lửa này có thể bắn trúng mục tiêu với tốc độ gần bằng tốc độ siêu thanh và mang theo đầu đạn nặng tới 1.000 kg, đủ để làm cho hầu hết các tàu mặt nước mất khả năng chiến đấu sau một cú đánh trực diện.
Ngoài ra, máy bay ném bom Tu-22M3 gần đây đã được trang bị tên lửa Kh-32 và Kh-47M2 mới, hiệu suất của các tên lửa này đã được cải thiện đáng kể, với tầm bắn lần lượt là 1.000 km và 2.000 km.
Mặc dù máy bay ném bom Tu-22M được triển khai tại Căn cứ Không quân Hmeymim không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, nhưng máy bay này có tầm bay rất xa và tầm bắn của tên lửa mang theo, cho phép máy bay bao phủ toàn bộ khu vực Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.
Tên lửa đạn đạo siêu thanh Kh-47M2 cũng cho phép máy bay ném bom Tu-22M tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ châu Âu từ khu vực phía Nam, nơi hệ thống phòng thủ của NATO không quá chặt chẽ.
Do đó, việc triển khai Tu-22M không chỉ tác động đáng kể đến cán cân quyền lực ở Đông Địa Trung Hải, mà còn tác động sâu sắc đến các cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga và các nước phương Tây.
Các thành viên NATO đã ủng hộ cuộc chiến chống lại chính phủ Syria trong hơn 10 năm, và vì các lệnh trừng phạt đối với Syria, mối quan hệ giữa hai bên đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Vì vậy, trước kịch bản xung đột giữa Nga và NATO, nhiều khả năng Syria sẽ cho phép máy bay ném bom của Nga được triển khai tại các căn cứ không quân của Syria mà không do dự.
Phi đội Tu-22M hiện đang được nâng cấp quy mô lớn, và mẫu cải tiến Tu-22M3 đã được triển khai ở Syria lần này. Nga cũng có kế hoạch nâng cấp hầu hết phi đội Tu-22M3 lên tiêu chuẩn Tu-22M3M mạnh mẽ hơn.
Loại máy bay ném bom mới này sử dụng một số công nghệ tiên tiến của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 và có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, giúp máy bay ném bom cất cánh từ Syria có thể tới sâu Đại Tây Dương.
80% hệ thống điện tử hàng không trên Tu-22M3M đã được nâng cấp, sử dụng động cơ NK-32-02 mới. Máy bay ném bom mới được nâng cấp có nhiều cảm biến tiên tiến hơn, hệ thống định vị, vũ khí trên không, hệ thống tác chiến điện tử và buồng lái cũng được cải tiến để phù hợp hơn cho các nhiệm vụ tấn công chính xác. Chúng cũng là một trong những máy bay ném bom chiến lược mới nhất hiện đang được biên chế trên toàn thế giới.
Sợ xuất hiện ‘F-35 fake’, Mỹ đưa ra điều kiện không tưởng cho UAE
Mỹ mới đây đã đưa thêm những điều kiện mới cho thương vụ mua sắm máy bay F-35 của UAE do lo ngại bị Trung Quốc “nhòm ngó” công nghệ.
Đức Trí (lược dịch)