Tại sao Ấn Độ quyết mua thêm máy bay chiến đấu của Nga?
Gần đây Ấn Độ quyết định mua thêm 33 máy bay chiến đấu của Nga, một số chuyên gia hàng không cho rằng, đây là sự lựa chọn “bất đắc dĩ” của New Delhi.
Theo báo cáo của tạp chí Forbes ngày 21/6, Ấn Độ đã đặt mua 33 máy bay chiến đấu của Nga với tổng giá trị lên đến 780 triệu USD, số lượng máy bay này đủ để trang bị cho hai phi đội. Việc Ấn Độ mua thêm máy bay chiến đấu không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng điều kỳ lạ là Ấn Độ đã chọn mua máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-30.
Máy bay chiến đấu Su-30 và Typhoon của Ấn Độ phối hợp tác chiến. Nguồn: eastday.com. |
Các máy bay chiến đấu bổ sung mà Ấn Độ mua bao gồm 21 chiếc MiG-29 và 12 chiếc Su-30, một số chuyên gia hàng không tin rằng đây là một sai lầm lớn của Ấn Độ, nhất là việc mua máy bay chiến đấu Su-30, bởi vì máy bay chiến đấu này không phù hợp để tuần tra trên địa hình rừng núi.
Không quân Ấn Độ trước đó đã lên kế hoạch mua thêm máy bay chiến đấu để bổ sung quy mô cho lực lượng hiện có, theo đó, lực lượng này dự kiến mua thêm 83 máy bay tiêm kích phản lực đa năng hạng nhẹ HAL Tejas do Ấn Độ sản xuất và 144 máy bay chiến đấu tầm trung nhập khẩu trong vài năm tới.
Được biết, hiện Không quân Ấn Độ đang nỗ lực để gia tăng số lượng phi đội chiến đấu tiền tuyến từ 28 lên 40 phi đội. Trong 28 phi đội bay hiện tại của Ấn Độ, các loại máy bay chiến đấu được coi là "át chủ bài", bao gồm máy bay chiến đấu do Nga sản xuất, máy bay chiến đấu Mirage và Rafale của Pháp, máy bay chiến đấu Jaguar châu Âu.
Máy bay Rafale, Su-30 và MiG-29 đều là ứng cử viên cho lực lượng máy bay chiến đấu tầm trung của Ấn Độ, nhưng Không quân Ấn Độ lại muốn mua Su-30 và Mi-29 để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp, điều này làm nhà báo kỳ cựu Tom Cooper của tạp chí National Interest cảm thấy ngạc nhiên. Ông tin rằng, mặc dù các máy bay chiến đấu do Nga sản xuất có thông số rất ấn tượng, nhưng chúng lại không đủ khả năng thực tế và hiệu quả chiến đấu có nhiều hạn chế so với các mẫu phương Tây.
Theo Tom Cooper, Không quân Ấn Độ có số lượng lớn máy bay chiến đấu Su-30, khoảng 250 chiếc. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan xảy ra tại khu vực tranh chấp Kashmir vào tháng 2/2019, Su-30 lại không phát huy được sức mạnh của mình, mà máy bay chiến đấu Mirage 2000 mới là chủ lực của Ấn Độ.
Máy bay chiến đấu Mirage-2000 đã lập nhiều chiến công quan trọng cho Không quân Ấn Độ. Nguồn: eastday.com. |
Khi đó, các máy bay chiến đấu Mirage-2000 đã thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các căn cứ khủng bố ở Pakistan, và sau đó một trận không chiến nổ ra, một chiếc MiG-21 của Ấn Độ đã bị Pakistan bắn rơi.
Hay trong cuộc xung đột Kargil giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1999, máy bay Mirage 2000 cũng đóng vai trò quyết định. Khi các máy bay chiến đấu mua từ Nga phải “vật lộn” để tấn công các căn cứ nhỏ lẻ của Pakistan trên những ngọn núi cao, thì các máy bay chiến đấu Mirage 2000 lại có thể dễ dàng phá hủy một sở chỉ huy quan trọng của quốc gia này bằng bom dẫn đường laser.
Cooper tin rằng, các cuộc chiến này là minh chứng rõ nhất cho thấy Mirage 2000 hiệu quả hơn Su-30 trong chiến đấu thực tế. Dòng máy bay chiến đấu Rafale là người kế thừa kế xuất sắc của dòng Mirage, nhưng Ấn Độ lại chỉ đặt mua 36 chiếc Rafale.
Theo báo cáo, Su-30 không chỉ thiếu vũ khí tiên tiến có thể tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất, mà còn không đủ khả năng phá hủy các căn cứ không quân tầm cao. Theo Cooper, độ cao của sân bay tiền tuyến của Ấn Độ đạt khoảng 3.353 m (so với mực nước biển), Su-30 không dễ hoạt động ở độ cao này. Loại máy bay này không đủ đạn dược, đồng thời còn cần phải thay thế một số bộ phận sau mỗi lần hoạt động như lốp, hệ thống phanh…
Vậy, tại sao Ấn Độ vẫn rất muốn mua máy bay chiến đấu Sukhoi này? Điều này có lẽ xuất phát từ mục đích chính trị, Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu đã là “đối thủ” khó có thể hòa giải với nhau. Hai bên xảy ra tranh chấp biên giới trong một thời gian dài, vấn đề lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng, không dễ dàng để mất, do vậy cả hai bên đều có thái độ cứng rắn trong lĩnh vực này.
Ấn Độ cũng là bạn hàng lâu năm của vũ khí Nga và muốn thông qua hợp tác vũ khí để cân bằng quan hệ với Nga trước Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ Trung - Ấn không mấy êm đẹp như hiện nay, nhất là vấn đề tranh chấp ở khu vực Ladakh đang nóng lên từng ngày, nếu Ấn Độ “quay lưng” với vũ khí Nga và chuyển sang nhập khẩu từ châu Âu, điều này sẽ gián tiếp đẩy Nga về phía Trung Quốc. Đây là điều mà giới chức Ấn Độ không mong muốn xảy ra.
Ấn Độ lập cầu không vận, sẵn sàng đáp trả Trung Quốc
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Ấn Độ đang huy động lực lượng khủng của cả 3 binh chủng sẵn sàng hành động đáp trả Trung Quốc.
Đức Trí (lược dịch)