Tác hại không thể ngờ của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng
Các tác động có hại đến sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội, kinh tế do sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng gây ra không thấp hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Thuốc lá điện tử tiếp cận với giới trẻ không an toàn như quảng cáo |
Nhiều nguy cơ gây hại
Các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử (ENDs), thuốc lá làm nóng (HTPs) là các sản phẩm mới, đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam. Mặc dù, ngành công nghiệp thuốc lá tuyên bố rằng các sản phẩm thuốc lá mới là giải pháp giảm hại và giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống nhưng bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại.
Các tác động có hại đến sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội, kinh tế do sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng gây ra không thấp hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Để ngăn ngừa các tổn thất gây ra bởi thuốc lá mới, Việt Nam cần tăng cường các giải pháp kiểm soát việc quảng cáo, tiếp thị, buôn bán, và tiêu thụ trái phép các sản phẩm thuốc lá mới.
Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử (ENDs) là các thiết bị điện tử hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng hòa tan thường chứa nicotine, hương liệu và các phụ gia khác, tạo ra dạng khí dung cho người dùng hít vào.Thiết bị thuốc lá điện tử bao gồm bộ phận pin, sạc; bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử; đầu ngậm cho phép người dùng hít vào. Nicotine trong thuốc lá điện tử là chất gây nghiện và độc hại. Ngoài việc gây nghiện cao, nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, sinh sản, ức chế phản ứng miễn dịch và đóng vai trò rõ ràng trong việc gây ung thư thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA, cũng như sự phát triển của khối u.
Thuốc lá điện tử cũng đã được chứng minh gây ra các căn bệnh nghiêm trọng liên quan đến tim mạch, tổn thương phổi, ung thư. Một nghiên cứu tổng quan hệ thống trên cơ sở đánh giá các nghiên cứu thực nghiệm mới đây đã chỉ ra thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch(Ciaran D Kennedy, 2019).Các nghiên cứu khác cũng cho thấy sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim(Talal Alzahrani MD, 2018), rối loạn chức năng nội mô dẫn đến bệnh tim mạch (Won Hee Lee et.al, 2019). Nghiên cứu cũng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử phát triển các thay đổi tế bào liên quan đến ung thư tương tự như người hút thuốc (Keck School of Medicine of University of Southern California).
Thuốc lá làm nóng (HTPs) là sự kết hợp giữa thiết bị điện tử bao gồm bộ phận gia nhiệt làm nóng và sản phẩm thuốc lá (điếu thuốc hay đầu cắm lá thuốc ép). HTPs hoạt động bằng cách làm nóng điếu thuốc hay đầu mồi tới nhiệt độ đủ cao để sinh ra các hạt khói, làn khói có thể hít vào. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dù HTPs nung nóng thuốc lá ở nhiệt độ thấp hơn thuốc lá truyền thống nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá. Hóa chất có hại và nguy cơ gây hại có trong thuốc lá làm nóng bao gồm: kim loại nặng, formaldehyde, nicotin, hydrocarbon thơm đa vòng, cacbon monoxide, accetaldehyde, acrolein, v.v – một số hóa chất được xếp vào nhóm gây ung thư. Đặc biệt, nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chấp thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe (Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam, 2020).
Do có đặc tính tương đồng với thuốc lá thông thường về thành phần nguyên liệu, thuốc lá nung nóng cũng có những tác hại tương tự như thuốc lá thông thường. Các nghiên cứu cho thấy nồng độ một số hóa chất trong thuốc lá nung nóng thấp hơn trong thuốc lá thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn. Và nồng độ hóa chất thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe.(Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam, 2020).
Thuốc lá điện tử gây nghiện
Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới an sinh xã hội, kinh tế, môi trường và sự phát triển bền vững. Thuốc lá điện tử và nung nóng gây ra chi phí bệnh tật cho xã hội mà hiện nay chưa định lượng hết được.
Vẫn theo Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, chi phí do thuốc lá truyền thống gây ra ở Việt Nam hiện nay được tính là trên 55 nghìn tỷ đồng mỗi năm, trong đó trên 24 nghìn tỷ chi phí cho bệnh tật và tử vong sớm và 31 nghìn tỷ đồng cho mua thuốc lá (Bộ Y tế, 2016).
Việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ làm tăng thêm các chi phí này. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) có chứa các chất độc hại, gây nghiện nên ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây bệnh tật, tử vong và các tác hại, hậu quả về xã hội, kinh tế, môi trường.
Các tác động có hại đến sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội, kinh tế do sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng gây ra không thấp hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Mặt khác, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên, các chiến lược tiếp thị thuốc lá mới nhắm tới thanh thiếu niên, nguy cơ tạo ra một thế hệ nghiện nicotine mới. Nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng thương mại nhanh chóng và việc sử dụng các sản phẩm mới này, phần lớn không được kiểm soát. Điều này tạo thêm lựa chọn cho người sử dụng thuốc lá và chất gây nghiện ở Việt Nam.
Vì vậy Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi một thế hệ trẻ trong đó có thế hệ trẻ Việt Nam không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện như nicotine. Thế hệ trẻ cần cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền nhằm chỉ rõ sự thật về những chiến thuật quảng cáo thuốc lá thuốc lá gây nhầm lẫn cho người sử dụng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
H. Anh