Sức mua đình đốn, DN lao đao
Sản xuất đình đốn, DN nợ gần 40.000 tỷ đồng thuế
1/3 địa phương không đạt thu ngân sách
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra sáng 5/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, công tác thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Tổng thu cân đối NSNN tháng 6 ước đạt 48.850 tỷ đồng, chỉ bằng 80% yêu cầu dự toán (xấp xỉ 61.700 tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với tháng 5.
Sản xuất khó khăn khiến số tiền nợ đọng thuế của DN gia tăng nhanh chóng trong nửa đầu năm 2012 |
Trong đó, thu thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm khoảng 3.200 tỷ đồng; thuế thu nhập DN (TNDN) giảm 2.300 tỷ đồng; thu chênh lệch thu chi NHNN giảm 1.000 tỷ đồng…. Lũy kế 6 tháng đạt 346.125 tỷ đồng, đạt 46,7% dự toán, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Nhưng, điểm khiến Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn lo ngại hơn cả là thu thuế từ địa phương cũng giảm đáng kể. Chỉ có 24/63 địa phương thu đạt từ 48% dự toán được giao, 39 địa phương thu ngân sách thấp hơn 48% dự toán, 32 địa phương thu đạt dưới 45% dự toán. Trong nhóm các địa phương đạt thu ngân sách thấp có những tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bình Duơng, Hải Dương, Hải Phòng, …
Nguyên nhân cho tình trạng thất thu trên là tăng trưởng kinh tế thấp, DN khó khăn do tiêu thụ giảm, tồn kho lớn. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, phá sản, nhất là các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Chưa kể, một số ngành hàng vốn có đóng góp lớn cho ngân sách thì năm nay, sức tiêu thụ rất chậm do sức mua giảm, cũng làm giảm thu.
Đơn cử, một số mặt hàng có mức thuế cao cũng giảm mạnh, như: xăng dầu nhập khẩu giảm 21% về lượng, giảm 13% về giá trị đã làm giảm thu ngân sách tới 1.207 tỷ đồng; ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm tới 60% về lượng, giảm 54,9% về trị giá làm giảm thu ngân sách khoảng 12.295 tỷ đồng; xe máy nguyên chiếc giảm 52,5% về lượng, giảm 44,4% về trị giá nên đã giảm thu ngân sách tới 531 tỷ đồng….
“Đây cũng là năm đầu tiên trong 5 năm qua, thu ngân sách 6 tháng đạt thấp như vậy, điều này phần nào sẽ ảnh hưởng tới chi ngân sách. Nhưng dù thế nào, Bộ Tài chính vẫn cố gắng tích cực đảm bảo số thu, tỷ lệ bội chi vẫn đảm bảo dưới 4,8% GDP”- lãnh đạo Bộ Tài chính thể hiện quyết tâm.
Ngoài việc giảm thu ngân sách, sản xuất đình đốn cũng kéo theo một loạt những hệ lụy khác. Đáng chú ý hơn cả là số tiền nợ đọng thuế của các DN đang có chiều hướng gia tăng trong 6 tháng đầu năm, lên tới 40.000 tỷ đồng.
Song, lãnh đạo Bộ Tài chính tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng, tình trạng né thuế, nợ đọng thuế trong khối DN thời gian tới sẽ giảm, mặt bằng lãi suất cũng đang giảm nhiệt, xuống thấp hơn cả mức phạt chậm nộp thuế (18,25%/năm) nên DN sẽ không còn mặn mà với việc nợ thuế.
Bên cạnh đó, ngành thuế cũng sẽ triển khai đồng loạt các phương pháp chống thất thu thuế, như tăng cường khai thuế điện tử, kiểm tra kiểm soát các DN chây ì nợ đọng thuế kéo dài…
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết Bộ đang khẩn trương triển khai các giải pháp ưu đãi thuế theo Nghị quyết 13 của Chính phủ và Quốc hội. Theo tính toán của bộ này, qua 2 tháng thực hiện, tháng 4 đã có 60.000 DN kê khai thuế và giữ lại số tiền thuế gần 3.000 tỷ đồng; tháng 5 có khoảng 75.000 DN kê khai thuế giữ lại số tiền khoảng 3.800 tỷ đồng với lãi suất 0% trong 6 tháng.
Tổng số thuế được miễn, giảm (gồm cả thuế TNDN, tiền thuê đất, thuế TNCN) sẽ vào khoảng 35.000 tỷ đồng. Riêng số thuế VAT được giãn là hơn 12.000 tỷ đồng với trên 80.000 DN được hưởng, tính đến hết tháng 6.
Điện tăng 5% khiến CPI tăng 0,369%
Ngoài câu chuyện về chống thất thu ngân sách, thuế, thì một trong những nội dung quan trọng và cũng thu hút đông đảo sự quan tâm của báo giới là câu chuyện tăng giá điện và trao quyền tự quyết giá đối với DN kinh doanh xăng dầu.
Trả lời câu hỏi của Infonet về tác động của tăng giá điện tới chỉ số tiêu dùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết, với mức tăng của giá điện thêm 5% sẽ tác động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vòng 1 là 0,123%; vòng 2 là 0,246%. Gộp chung cả 2 vòng, giá điện tăng khiến CPI tăng 0,369%.
Điện tăng giá 5% sẽ tác động tăng tới CPI cả 2 vòng khoảng 0,4% |
“Tăng giá điện dựa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, đảm bảo bù đắp chi phí của ngành điện và mục tiêu tăng trưởng 14% của ngành này trong thời gian tới. Qua kết quả thanh tra, kiểm tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các khoản lỗ từ đầu tư ngoài ngành của tập đoàn này không tính vào chi phí của ngành, nên việc điều chỉnh giá trong bối cảnh vĩ mô hiện tại là cần thiết” – Thứ trưởng Bộ Tài chính bổ sung thêm.
Liên quan tới việc Bộ Tài chính cho phép DN kinh doanh xăng dầu tự định giá bán theo Nghị định 84 nhưng vẫn có sự giám sát của Nhà nước, Thứ trưởng Anh Tuấn cho rằng đây là giải pháp mang tính tình thế, phù hợp với điều kiện hiện nay, do xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm nên Nhà nước vẫn phải điều tiết, giám sát.
“Chắc chắn không có chuyện DN được tự quyết giá thì sẽ bắt tay nhau thao túng thị trường, bởi còn có sự giám sát của Nhà nước”- Thứ trưởng Anh Tuấn khẳng định.
Thu Hoài