Sự biến mất khó hiểu của một doanh nghiệp lớn sau cổ phần hóa
Theo đại diện của Prosimex, với chức năng chính là xuất nhập khẩu, công ty được thành lập năm 1989, tiền thân là cơ sở tăng gia sản xuất của Bộ Thương mại. các cựu cán bộ của công ty cho biết, có thời điểm, kim ngạch xuất khẩu của công ty đứng thứ hai trong số các doanh nghiệp xuất khẩu, số người lao động của công ty lên tới trên 300 người. Công ty từng có 3 chi nhánh tại Quảng Ninh, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh cùng 1 Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh nhà, và 1 Xí nghiệp may và gia công hàng xuất khẩu. Tài sản bất động sản của công ty gồm 8.872,5 m2 tại tại số 45A, ngõ 35, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội (nay là 349 Vũ Tông Phan, Hà Nội), 15.000 m2 đất cho thuê kho bãi tại địa chỉ km7 đường Hà Nội, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, 400 m2 đất cho thuê tại ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội, và 6 phòng làm việc tại khu văn phòng số 46 Ngô Quyền, Hà Nội.
Tuy nhiên, đến năm 2015, lĩnh vực truyền thống là xuất nhập khẩu đã bị chấm dứt, thay vào đó, công ty chỉ hoạt động cầm chừng bằng việc cho thuê kho bãi. Các xí nghiệp trực thuộc cũng bị xóa sổ. Một loạt lao động bị cho nghỉ việc trái luật, số người lao động trong công ty chỉ còn lại 4 người gồm Tổng Giám đốc và… 3 nhân viên, cộng với số nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng. 3 chí nhánh trước đây, giờ chỉ còn lại chi nhánh Hải Phòng còn hoạt động bằng việc cho thuê kho bãi.
Ngập trong nợ sau cổ phần hóa
Prosimex được IPO vào năm 2006, sau đó cổ đông nhà nước nắm giữ 56,6% vốn điều lệ. Đến ngày 27/12/2013, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán phần vốn nhà nước tại Prosimex. Ông Lữ Văn Sơn đã tham gia đấu giá thành công và trở thành Chủ tịch HĐQT và trở thành Chủ tịch HĐQT của công ty kể từ 24/05/2014 với 979.840 cổ phần nắm giữ, tương ứng 57,64% vốn điều lệ.
Ông Lữ Văn Sơn cho biết: “Theo báo cáo tổng hợp việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần tại công ty từ năm 2014, đến nay với giá giao dịch trong khoảng từ 10.000 đồng đến 10.900 đồng/cổ phần. Trong đó, tôi có mua lại cổ phần của một số cổ đông, đến nay tôi đang sở hữu 979.840 cổ phần, tương ứng 57,64% vốn điều lệ. Tôi tin rằng cổ phiếu của công ty vẫn còn nguyên giá trị với mệnh giá giao dịch trong khoảng nêu trên.”
Trở lại với thời điểm năm 2006 trước khi tiến hành cổ phần hóa, đại diện của công ty cho biết thời điểm đó Prosimex chỉ nợ 22 tỷ đồng. Thế nhưng, trong khoảng thời gian từ sau cổ phần hóa đến trước thời điểm SCIC thoái vốn nhà nước, tình hình tài chính của Prosimex mới thực sự bết bát. Chỉ trong thời gian từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, công ty phát sinh khoản nợ 120 tỷ đồng (con số đã được làm tròn) do 5 đối tác Trung Quốc không thanh toán tiền mua hàng mà Prosimex đã xuất sang Trung Quốc gồm các mặt hàng nông sản, cao su và khoáng sản.
Theo ông Lữ Văn Sơn, số nợ trên công ty đang tiếp tục tiến hành thu hồi chứ không mất. Prosimex đã phải miễn nhiệm chức danh TGĐ đối với ông Trần Quốc Phương để thực hiện việc thu hồi nợ.
![]() |
Chủ tịch HĐQT Lữ Văn Sơn trấn an các cổ đông về khoản nợ của đối tác Trung Quốc. |
Cũng trong thời gian trên, Prosimex rơi vào nợ nần khiến lãnh đạo công ty phải đề xuất gán nợ bằng tài sản đảm bảo cho ngân hàng.
Theo bản sao Công văn số 20/Pros được các cổ đông cung cấp cho Infonet, Công văn do ông Trần Quốc Phương, nguyên TGĐ công ty ký ngày 28/04/2014 gửi Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nam Thăng Long về việc “Đề nghị bán thanh lý tài sản”. Trong đó nêu rõ: Ngày 15/05/2012 Vietinbank cung cấp hạn mức tín dụng cho Prosimex với hạn mức bao gồm VND và ngoại tệ có giá trị 120 tỷ đồng (đã được làm tròn) để bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, do các hoạt động xuất nhập khẩu ngưng trệ, các đối tác Trung Quốc chiếm dụng vốn của công ty với khoản phải thu chưa thu hồi lên đến 120 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/12/2013. Do vậy công ty không có vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nguồn thanh toán cho khoản gốc và lãi vay của Vietinbank. Dư nợ gốc Prosimex nợ Vietinbank tính đến thời điểm ký Công văn số 20 là 83,4 tỷ đồng và 643.500 USD.
Khoản vay của công ty được đảm bảo bằng tài sản gồm: Trụ sở làm việc và toàn bộ tài sản trên đất là 8.872,5 m2 tại tại số 45A, ngõ 35, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội (nay là 349 Vũ Tông Phan, Hà Nội) và trụ sở làm việc và toàn bộ công trình trên đất (15.000 m2) tại địa chỉ km7 đường Hà Nội, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng.
Cũng trong công văn này, ông Phương cho biết đã tìm được đối tác mua lại 2 tài sản đảm bảo trên là CTCP Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam (VIDEC) theo phương án hợp tác: VIDEC mua lại 2 tài sản đảm bảo bằng hình thức Prosimex và VIDEC hợp tác đầu tư để thực hiện dự án khai thác 2 tài sản đảm bảo nói trên. Đối với khu đất 349 Vũ Tông Phan, giá trị đất còn lại sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế là 39 tỷ đồng. Đối với khu đất tại Hải Phòng, giá trị còn lại sau khi trừ đi các nghĩa vụ thuế với nhà nước là 50 tỷ đồng.
Sau khi đề xuất giữ lại 5 tỷ đồng từ tiền thanh lý tài sản để thuê văn phòng làm việc và giải quyết chế độ cho người lao động, số tiền Prosimex đề xuất thanh toán cho ngân hàng là 45 tỷ đồng. “Kính đề nghị quý ngân hàng cho xuất 02 tài sản để công ty bàn giao tài sản và các giấy tờ có liên quan,” công văn đề nghị.
![]() |
Theo kế hoạch được phê duyệt, Dự án Riverside Garden (trụ sở cũ của công ty) khởi công từ năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa thi công phần móng. |
Những câu hỏi đặt ra
Theo các cổ đông nhỏ lẻ của công ty, có 2 vấn đề trong câu chuyện của Prosimex nhưng chưa có lời giải đáp. Thứ nhất, trách nhiệm của SCIC ở đâu khi để công ty rơi vào khủng hoảng kể từ sau khi cổ phần hóa cho đến khi SCIC thoái vốn?
“Trước cổ phần hóa năm 2006, công ty chỉ nợ 22 tỷ đồng, nhưng số nợ khủng chỉ được bung ra trước thời điểm SCIC thoái vốn nhà nước tại Prosimex. Để cho doanh nghiệp một số lỗ lớn như thế rồi lập tức thoái vốn, liệu có phải SCIC gây thất thoát vốn nhà nước thông qua thoái vốn hay không? Năm 2012, số nợ được công bố, năm 2013 làm thủ tục thoái vốn, để đến khi bán thì cổ phiếu mới rẻ như thế. Chứ nếu có một cơ sở tài chính tốt đẹp, thì làm gì có chuyện cổ phiếu của công ty bán chỉ hơn 10.000 đồng/cp,” một cổ đông đặt nghi vấn.
“Kiểu cổ phần hóa nửa dơi nửa chuột thế này, nhà nước sẽ còn mất nhiều vốn. Tài sản bất động sản của công ty gồm gần 10.000 m2 đang triển khai dự án Riverside Garden, 15.000 m2 đất ở Hải Phòng, 400m2 đất ở ngõ Văn Chương, và 6 phòng làm việc tại khu nhà 46 Ngô Quyền gồm 2 phòng tại tầng 1 và 4 phòng tại tầng 4. Nhưng SCIC thu về chỉ khoảng 10 tỷ đồng từ thoái vốn, với mức giá đó rất nhiều cổ đông chúng tôi có khả năng mua lại. Liệu SCIC không hề hay biết về giá trị đất của Prosimex?,” một cổ đông khác bức xúc.
Câu hỏi thứ hai các cổ đông đặt ra là thời điểm ông Trần Quốc Phương gửi Công văn số 20 cho Vietinbank chi nhánh Nam Thăng Long đề nghị bán thanh lý tài sản là ngày 28/04/2014, nhưng một tháng sau đó, ngày 26/05/2014, Prosimex và VIDEC lại ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư số 01-2014/HĐHTĐT/PROSIMEX-VIDEC do ông Trần Quốc Phương đại diện cho Prosimex và ông Trần Đức Huế, Chủ tịch kiêm TGĐ VIDEC, đại diện cho VIDEC. Nội dung hợp đồng nêu rõ: Hai bên đồng ý hợp tác để thực hiện Dự án khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng, dịch vụ thương mại tại số 349 Vũ Tông Phan, Hà Nội (Dự án Riverside Garden) theo hình thức Prosimex góp vốn bằng quyền quản lý sử dụng đất, VIDEC góp vốn bằng tiền để triển khai thực hiện dự án, cơ cấu góp vốn lần lượt là 10% và 90%. Hai bên cùng nhau phân chia lợi nhuận của dự án sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.
Trong Công văn số 20, ông Trần Quốc Phương khẳng định “VIDEC đã đồng ý mua lại 02 tài sản đảm bảo bằng hình thức Công ty Prosimex và Công ty VIDEC hợp tác đầu tư để thực hiện Dự án khai thác 02 tài sản đảm bảo nói trên,”.
Một thông tin đáng chú ý được các cổ đông cung cấp cho Infonet là khi lấy số công văn 20 ngày 28/4/2014, bộ phận văn thư có ghi chú rõ việc ông Phương lấy công văn và không đồng ý cho lưu lại tại văn thư.
Như vậy, kể từ sau khi cổ phần hóa, dưới sự điều hành của ông Trần Quốc Phương, công ty không những rơi vào nợ nần, mà còn mất dần các hoạt động truyền thống. Đến nay, thứ duy nhất Prosimex còn có thể giữ lại được, chính là cái tên gọi của công ty. Nhưng ngay tại thời điểm này, khi nhắc đến dự án Riverside Garden, người ta cũng chỉ biết đến chủ đầu tư là VIDEC.