Suy đa phủ tạng, nguy kịch do truyền dịch tại nhà chữa sốt xuất huyết
Nguy kịch, tử vong do đến viện muộn
Có vợ và con từng mắc sốt xuất huyết nhưng người đàn ông N.M.Đ (39 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn chủ quan. Trước khi vào viện 12 ngày, bệnh nhân có sốt cao, đau mỏi người, xét nghiệm sốt xuất huyết cho kết quả dương tính. Bệnh nhân điều trị tại nhà, sau đó, bệnh nhân rét run, liền tự truyền dịch tại nhà trong 2 ngày. Không đỡ anh mới được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xung huyết, men gan tăng, suy gan, ứ đọng đờm dãi, tổn thương phổi, gan, tiểu cầu hạ, cô đặc máu, có dịch ở bụng, suy đa phủ tạng… Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị nhưng đến nay vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Trường hợp của anh Đ. chỉ là một trong số những bệnh nhân nặng đang được điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai do sốt xuất huyết những ngày gần đây.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: nếu trong tháng 8 số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ là 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250.
Bệnh nhân đến từ các huyện ngoại thành Hà Nội như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên…. và một số quận nội thành như Nam Từ Liêm,Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình một ngày có 10 - 20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng,.. nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L.
Ngoài ra nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
Tương tự, tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, theo số liệu thống kê của Bệnh viện chỉ trong 2 ngày cuối tuần (22, 23/10) và ngày thứ hai đầu tuần (24/10), bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm cho 519 trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết. Kết quả 153 trường hợp dương tính, 79 trường hợp buộc phải nhập viện.
Trao đổi với phóng viên, BS Đinh Thế Tiến, Bệnh viện Đức Giang cho biết, số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Hơn tháng nay, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Hiện tại không chỉ khoa truyền nhiễm (điều trị 57 ca) tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mà phải chia sang các khoa khác như hồi sức nhi 8 trường hợp, các khoa khác 90 ca.
“Chỉ những trường hợp nào có dấu hiệu cảnh báo hoặc mệt rất nhiều mới được nhập viện theo dõi điều trị. Năm nay số ca sốt xuất huyết nhiều và nặng hơn, đặc biệt người già, trẻ em, người có nhiều bệnh nền thường diễn biến nặng. Bệnh nhân có bệnh lý nền hoặc những trường hợp truyền tiểu cầu bị phản ứng phụ cũng có nhiều. Đáng ngại, có nhiều ca nguy kịch do đến viện muộn, thậm chí có cả trường hợp tử vong.”, BS Tiến thông tin.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Do đó, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lo ngại trong tháng 11-12 tới sẽ là đỉnh điểm của sốt xuất huyết và nguy cơ dịch chồng dịch khi Covid-19 vẫn đang tồn tại, thêm vào đó bắt đầu vào mùa của một số bệnh gây dịch vào mùa đông khác như cúm, sởi, thủy đậu, aenovirus,...
Đáng ngại là nhiều người khi bị sốt lại nghĩ do mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết, chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thì mới đến viện.
“Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận. Chúng tôi đã có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu”, PGS. TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện ngay
Theo Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch SXH lớn. Dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra. Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì thì cần làm xét nghiệm máu.
PGS Cường khuyến cáo, sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Bổ sung thêm, TS.BS Trần Thị Oanh, PGĐ Bệnh viện Đức Giang, cho biết người mắc sốt xuất huyết cần chú ý tới những dấu hiệu cảnh báo: Vật vã, lừ đừ, li bì; Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau vùng gan; Nôn ói nhiều hưn 3 lần/giờ hoặc hơn 4 lần/6h; Người mắc sốt xuất huyết tiểu ít; có các dấu hiệu xuất huyết niêm mạc như: chay máu chân răng, mũi; Nôn ra máu, tiểu phân đen hoặc có máu, tiểu máu, xuất huyết âm đạo…thì cần được nhập viện ngay lập tức.
N. Huyền