Sớm có cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông
Thực tế đòi hỏi cần có một hệ dữ liệu về ATGT cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác nhằm hỗ trợ đắc lực cho quá trình ra các quyết định quản lý về ATGT trên phạm vi toàn quốc các cấp Trung ương và địa phương. Cụ thể, về tính kịp thời, số liệu được thu thập xử lý báo cáo trong một khoảng thời gian nhất định gửi đến các cơ quan có liên quan giúp cho việc ra quyết định một cách kịp thời.
Sau năm 2025, theo yêu cầu thực tế của công việc, các bộ ngành sẽ cập nhật thông tư bổ sung các trường dữ liệu mới phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ATGT của Chính phủ mà Ủy ban là cơ quan đầu mối, với 5 trụ cột về ATGT như: Quản lý ATGT, Kết cấu Hạ tầng giao thông, Phương tiện, Con người, Sau TNGT" - ông Trần Hữu Minh, Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cũng cho biết, thời gian qua, Cục CSGT đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số vào các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT, đặc biệt là việc đưa các Dịch vụ công lên cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai các hệ thống camera giám sát TTATGT trên các tuyến cao tốc và quốc lộ.
Hiện nay, Cục CSGT đã có các hệ CSDL như: CSDL xử lý vi phạm, đăng ký xe, TNGT và giám sát, xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh.
Các hệ thống đều được triển khai dưới dạng mô hình tập trung tại Cục CSGT, CSGT các cấp và Công an xã là đầu mối sử dụng, khai thác, thu thập thông tin để làm giàu CSDL.
Theo đại diện Cục CSGT, chuyển đổi số trong công tác bảo đảm TTATGT đã giúp cho người dân giảm thời gian, chi phí đi lại khi làm thủ tục, không phải chờ đợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT.
Tuy nhiên, chuyển đổi số là lĩnh vực mới, đến nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, do việc sử dụng các thông tin, dữ liệu dùng chung giữa các bộ ngành còn chưa đồng bộ; việc kết nối với các đơn vị ngoài ngành liên quan (thuế, đăng kiểm, hải quan...) mặc dù đã thực hiện, tuy nhiên đôi khi dữ liệu còn chưa đủ để tích hợp với nhau, trong khi đó, cán bộ chiến sỹ chưa quen với việc thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công,…
Từ đó, đại diện Cục CSGT đề xuất cần có sự phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để kết nối chia sẻ dữ liệu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vục đăng ký xe, nộp phạt xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Hà Thái Sơn, chuyên viên Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại rất rõ chi tiết nạn nhân TNGT bao gồm: người lái xe, hành khách, người đi trên xe, người lên xuống xe… Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ nước ta chỉ quy định người điều khiển xe, người sử dụng xe khi có TNGT xảy ra.
“Bộ Y tế cần phối hợp Bộ Công an xây dựng hệ thống thống kê nguyên nhân TNGT dựa vào bệnh viện theo phân loại của WHO trong đó áp dụng hệ thống phân loại phương tiện theo Luật Giao thông đường bộ có chuyển đổi sang bảng mã chi tiết; thống kê cụ thể, nạn nhân, phương tiện của nạn nhân và phương tiện va chạm, tình trạng liên quan đến rượu bia; tiến hành nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật do tai nạn giao thông”, ông Sơn đề xuất, và cho biết, dự kiến quý 1/2023 sẽ triển khai toàn quốc việc liên thông giấy khám sức khỏe người cấp đổi GPLX, đồng thời, Bộ Y tế sẽ đào tạo nhân viên bệnh viện về mã hóa thống kê nguyên nhân TNGT và gắn mã hóa đầy đủ thông tin tai nạn giao thông với thanh toán bảo hiểm y tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia, cơ quan đơn vị tham gia đề xuất, kiến nghị Nhà nước cần hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về ATGT trong đó cụ thể đưa ra lộ trình, trách nhiệm của các đơn vị tham gia; cơ quan Nhà nước mở dữ liệu để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Theo đại diện Công ty CP Hanel, đơn vị này đã và đang xây dựng giải pháp giao thông thông minh cho Cục Đường bộ VN. Đây là giải pháp tổng thể về giao thông đầu tiên kết nối và quản lý toàn bộ cơ sở dữ liệu về các đối tượng thuộc hạ tầng giao thông và định vị, giám sát hành trình phương tiện giao thông trên nền bản đồ số thống nhất.
Từ đó, giúp điều tiết thông minh, hỗ trợ xử lý vi phạm, góp phần giảm vi phạm giao thông và TNGT. Cụ thể, năm 2020, xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 3.529 phương tiện; ra văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 10.016 phương tiện.
Bảo Khánh