SHB công bố nợ nần của Habubank
SHB công bố nợ nần của Habubank
Tiếp sau Habubank, NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã công bố đề án sáp nhập với Habubank trình cổ đông tại ĐHCĐ ngày 5/5 tới. Bản đề án mà SHB đưa ra bức tranh khá đầy đủ "thể trạng" tài chính "èo uột" của Habubank – ngân hàng (NH) bị sáp nhập.
Ngoài khoản nợ từ Vinashin, nợ xấu của Habubank còn do "kẹt" ở các tổ chức tín dụng khác |
Phát sinh 500 tỷ đồng/năm vì Vinashin
Theo bản đề án này, chính việc tập trung cho vay nhóm khách hàng thuộc Vinashin (chiếm tới 83% vốn điều lệ của ngân hàng) đã khiến Habubank bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng chi phí hàng năm của Habubank phải trả để duy trì dư nợ này đã khiến NH phát sinh chi phí khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Ngoài hoạt động tín dụng, Habubank còn có một số khoản ủy thác đầu tư, đầu tư góp vốn, liên doanh, liên kết và đầu tư vào trái phiếu có khả năng sinh lời kém. Đáng nói hơn, hoạt động kinh doanh tiền tệ trên thị trường 2 (thị trường liên NH) của Habubank thời gian qua cũng gặp phải những rủi ro tín dụng, trong đó có 270 tỷ đồng tiền gửi tại Công ty tài chính Cao su và hơn 200 tỷ đồng tiền gửi tại NHTMCP Dầu khí toàn cầu, Đệ Nhất, Tài chính Sông đà và Tài chính Handico... Các khoản tiền gửi này hiện đều đang chưa thu hồi được do đối tác khó khăn về thanh khoản.
Ngoài tác nhân chính được "điểm danh" dẫn tới tình trạng nợ xấu tồi tệ tại Habubank, còn một nguyên nhân khác, nhà băng này đã tập trung quá nhiều vào danh mục cho vay và đầu tư chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu (Chính phủ, tổ chức tín dụng, DN...). Trong khi đó, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng giảm dần tỷ trọng qua các năm, từ 36,8% năm 2008 xuống 11% năm 2011.
Cụ thể, theo số liệu tới 31/12/2011, tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ tương đối cao (56,35%), trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành và trái phiếu DN lần lượt chiếm tỷ trọng là 24,25% và 19,41%. Trong số đó, Habubank hiện đang nắm giữ 600.000 triệu đồng trái phiếu do Vinashin phát hành, khả năng thu hồi trái phiếu này rất thấp, ảnh hưởng trực tiếp tới việc trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư trái phiếu của Habubank.
So với các NH cùng quy mô, cơ cấu cho vay khách hàng và tài sản đầu tư của Habubank chiếm tỷ trọng cao nhất (xấp xỉ 53% so với 47% của HDBank và 30% của ABBank tại thời điểm 31/12/2011 đối với hoạt động cho vay khách hàng và 29% so với 24% của HDBank và 18% của ABBank đối với hoạt động đầu tư).
"Việc thay đổi cơ cấu tài sản làm giảm đáng kể tính thanh khoản của Habubank, thêm vào đó là chất lượng tín dụng suy giảm, góp phần không nhỏ gây ra các khó khăn cho NH giai đoạn cuối 2011 – đầu 2012. Trên thực tế nhiều khoản cho vay của Habubank hiện đã trở thành nợ xấu"- bản đề án đánh giá.
1 cổ phiếu SHB = 1,21 cổ phiếu SHB "mới"
NH sau sáp nhập sẽ có tên là NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng. Ngoài tỷ lệ hoán đổi cổ phần của cổ đông Habubank (mã chứng khoán HBB) là 1 cổ phiếu HBB bằng 0,75 cổ phần SHB, bản đề án sáp nhập cũng đưa ra tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của cổ đông SHB đối với NH "mới" sau sáp nhập. Các cổ đông SHB trước thời điểm sáp nhập sẽ nhận thêm 0,21 cổ phiếu mới của NH sau sáp nhập cho mỗi cổ phiếu SHB do cổ đông nắm giữ.
Bù lại, trong năm 2012 các cổ đông của SHB sẽ không nhận cổ tức do lợi nhuận của năm 2012 sẽ được dùng để bù đắp cho lỗ lũy kế của Habubank trước khi sáp nhập. "Như vậy, các cổ đông của SHB sẽ nhận tỷ lệ cổ tức tương đương 21% bằng cổ phiếu cho năm 2012 và quyền lợi của cổ đông hoàn toàn không bị ảnh hưởng"- bản đề án khẳng định.
Đối với các khoản nợ "khủng" của Habubank sau khi sáp nhập, bản tóm tắt đề án đưa ra hướng giải quyết, ngay sau khi sáp nhập, NH sẽ đẩy mạnh công tác thu hồi nợ gốc và nợ lãi của các hợp đồng tại các tổ chức tín dụng đang được đánh giá là có khả năng thu hồi thấp. Dựa vào các thông tin thu thập được và thiện chí trả nợ của các tổ chức tín dụng, khả năng thu hồi các khoản nợ này là 100% (khoảng 236 tỷ đồng). Các khoản nợ xấu của Vinashin (khoảng 2.221 tỷ đồng), NH sẽ chủ động cơ cấu lại các khoản nợ này trong vòng 6-12 tháng, đồng thời trích lập thêm dự phòng rủi ro 5 năm tiếp theo sau khi sáp nhập.
Trên cơ sở các phân tích khá chi tiết, đề án nhận định rằng kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 1.850 tỷ đồng ngay trong năm 2012 là hoàn toàn khả thi, theo đó sẽ bù đắp hết lỗ phát sinh trước sáp nhập. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế dự tính là 2.115 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2012. Năm 2014, dự kiến NH sau sáp nhập sẽ đi vào hoạt động ổn định, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của SHB sẽ tăng từ 15% - 20% so với năm 2013.
Cuối tuần trước Habubank đã tiến hành ĐHCĐ với tỷ lệ 85,21% cổ đông tán thành việc sáp nhập vào SHB. "Hôn nhân" giữa SHB và Habubank đã đi được một nửa chặng đường gian nan nhất, phần quyết định còn lại phụ thuộc vào kết quả ĐHCĐ của SHB sẽ được tổ chức vào ngày 5/5 tới.
Nếu thành công, đây sẽ được coi là thương vụ sáp nhập thứ hai thành công dựa trên tinh thần tự nguyện của các tổ chức tín dụng. Trước đó, thông tin từ NHNN cũng cho biết, trong tháng 5 này, NHNN sẽ "giải quyết" hết 9 NH yếu kém còn lại trong hệ thống tài chính trên cơ sở cho các tổ chức tín dụng này sáp nhập lại lẫn nhau.
Trường Giang