Sếp Năng lượng Sơn Hà: Người dân có thể tự bán điện theo kiểu Uber, Grab
Được biết, đây là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch niêm yết cổ phiếu. SHE là công ty con của CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã chứng khoán SHI), được thành lập vào năm 2005. Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ SHI nắm giữ 52% cổ phần, Vietinbank Capital nắm giữ 10% cổ phần.
Tại thời điểm mới thành lập, SHE là doanh nghiệp sản xuất bình nước nóng mang thương hiệu Thái Dương Năng và là sản phẩm thái dương năng đầu tiên trên thị trường trong bối cảnh chưa nhiều người quan tâm đến năng lượng mặt trời.
Theo ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành CTCP Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE), thời điểm công ty mới giới thiệu sản phẩm máy nước nóng năng lượng mặt trời Thái Dương Năng gặp rất nhiều khó khăn vì người dân, thậm chí cả chính sách cũng chưa ủng hộ.
Tuy nhiên, đến nay ông Tâm tỏ ra tự hào về sự thành công của thương hiệu Thái Dương Năng.
“Hiện có những doanh nghiệp khác tham gia sản xuất dòng sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời và đều gọi chung là thái dương năng. Khách hàng có thể mua sản phẩm Thái Dương Năng của các nhà sản xuất khác, nhưng thương hiệu Thái Dương Năng cũng đã nổi tiếng giống như cách người ta hay gọi xe Honda khi nói đến xe máy”.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành CTCP Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE). |
SHE tập trung vào hai lĩnh vực trọng tâm là năng lượng sạch và nước sạch, ban đầu là năng lượng mặt trời để đun nóng nước, sau đó là các sản phẩm tận dụng năng lượng mặt trời để phát điện.
Theo đó, trên mỗi mái nhà của các hộ gia đình đều có thể đặt hệ thống cung cấp điện từ năng lượng mặt trời, nếu không sử dụng hết nguồn điện năng có thể bán cho các nhà/tòa nhà xung quanh, giống như cách vận hành của Uber hay Grab.
“Đó là con đường duy nhất và hoàn toàn xã hội hóa việc đầu tư, tạo ra một lưới điện rất lớn và tự cân bằng trong hệ thống,” ông Hoàng Mạnh Tân nói. “Cách làm này mang lợi ích mang lại cho tất cả các bên, nhà nước, nhà đầu tư và chính người dân”.
Nguồn năng lượng sạch thứ hai SHE khai thác là năng lượng biogas, đây là năng lượng phù hợp với đất nước nông nghiệp như Việt Nam. SHE đã kết hợp với một đối tác có công nghệ để phát triển nhà máy xử lý về biogas, năng lượng sinh khối, có thể dùng để đun nấu hoặc phát điện. Đây chính là hướng đi của công ty trong tương lai gần.
Bộ sản phẩm gồm bồn nước, Thái dương năng, và pin năng lượng mặt trời của Sơn Hà được lắp đặt trên nóc một khách sạn tại Lai Châu. |
Lĩnh vực thứ hai của SHE là nước sạch, theo ông Tân, với tình trạng thiếu nước sạch như hiện nay, thứ nước mà chúng ta hay gọi là nước sạch lại bị nhiễm bẩn từ hệ thống nguồn nước ngầm do rác thải sinh hoạt, do chất thải công nghiệp,…
Công nghệ của một nhà máy xử lý nước phụ thuộc vào nguồn nước đầu vào, cách đây 30 năm tất cả các dòng sông đều sạch sẽ, nhưng đến nay tất cả các dòng sông đều ô nhiễm trong khi các nhà máy sản xuất nước sạch hầu hết vẫn đang sử dụng những công nghệ cũ kỹ từ 30 năm trước. Do đó, chất lượng nước của chúng ta “thực sự là có vấn đề”.
Hơn nữa, thói quen chứa nước bằng các bể bê tông ngầm của người dân là một sự bất cập và nó chỉ “khuất mắt trông coi”. Sau hàng chục năm, các bể xây gạch, bê tông sẽ ngấm nứt tạo khe hở cho các vi sinh vật xâm nhập, nhất là khi các bể nước này thường đặt ở vị trí gần với bể phốt.
“Thực tế chúng tôi đã khảo sát và đánh giá 90% các bể ngầm đang bị ô nhiễm và nước không đảm bảo tiêu chuẩn đảm bảo sức khỏe cho người dân,” ông Hoàng Mạnh Tân cho hay.
Do đó, SHE được công ty mẹ giao nhiệm vụ sản xuất các bể ngầm, thay thế cho các bể bê tông cốt thép.
“Mục tiêu của SHE là nước sạch và năng lượng sạch và sẽ là mục tiêu xuyên suốt của doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá đây là ngành nghề có nhiều tiềm năng phát triển và có thể đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và nhà đầu tư,” Giám đốc điều hành SHE khẳng định.