Sau những vụ bạo lực học đường ở Thừa Thiên Huế, cần có các biện pháp phòng ngừa từ xa
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nhiều vụ việc học sinh mâu thuẫn, đánh nhau. Những vụ việc như vậy được quay clip, lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận.
Xây dựng văn hóa học đường là thực hiện một quá trình quản lý giáo dục nhằm mục đích xây dựng, phát triển trường học thành môi trường văn hóa-giáo dục lành mạnh, các thành viên trong trường có hành vi văn hóa chuẩn mực và ngày càng ổn định theo chiều hướng phát triển bền vững.
Tuy vậy, trong thực tế nhiều trường học chưa quan tâm xây dựng văn hóa học đường, vì vậy những hành vi lệch chuẩn trong trường học có cơ hội phát sinh, nảy nở, trong đó có bạo lực học đường đang là vấn đề bức xúc của ngành giáo dục và của xã hội.
Bạo lực học đường là hành vi lệch chuẩn và thiên về sử dụng bạo lực. Nhưng bạo lực học đường dù biểu hiện dưới hình thức nào, chủ thể là ai thì cũng không thể chấp nhận được và bị xã hội phê phán.
Ảnh minh họa |
Trước vấn đề bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng trên địa bàn, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế nêu thực trạng, bạo lực học đường, đặc biệt xuất hiện ở học sinh nữ những năm gần đây. Sở đã có nhiều chỉ đạo giải quyết tình trạng này nhưng hiệu quả vẫn chưa triệt để do nhiều nguyên nhân.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cũng đưa ra giải pháp trước mắt để chấm dứt tình trạng này, đó là ngành giáo dục sẽ sớm khẩn trương tổ chức Hội nghị liên ngành giữa các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương để có các biện pháp ngăn ngừa và phối hợp giáo dục hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Tân, vai trò của Ban giám hiệu và các tổ chức trong nhà trường vẫn là thường xuyên nhất trong việc kiểm soát, ngăn chặn bạo lực học đường. Họ phải theo sát, theo kỹ diễn biến của học sinh hàng ngày tại trường; đồng thời, có các biện pháp phòng ngừa từ xa như khi phát hiện mâu thuẫn nhỏ để theo dõi, đón đầu và ngăn chặn.
Liên quan vụ việc nữ sinh lớp 10 tại Trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà) bị đánh dẫn đến chấn động não, ông Nguyễn Tân cho biết, Sở đã chỉ đạo Hiệu trưởng trường phải tập trung làm việc kỹ, xử lí nghiêm để tăng cường răn đe giáo dục học sinh.
Đồng thời, Sở cũng yêu cầu trường phối hợp với địa phương, phụ huynh theo dõi chăm lo tốt để học sinh sớm được trở lại trường an toàn và hỗ trợ học sinh theo kịp chương trình.
Trước việc bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, chuyên gia tâm lý TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Đại học Sư phạm - Đại học Huế cũng cho rằng, phụ huynh, giáo viên và nhà trường cần phải kịp thời hỗ trợ về mặt tâm lý giúp các em là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường vượt qua những sang chấn tâm lý đang ẩn chứa trong tâm hồn. Cần quan tâm nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, sớm đưa các em vào các hoạt động, gắn kết các em với tập thể lớp.
TS Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ, tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển khá mạnh mẽ, có nhiều thay đổi bất ngờ, các em luôn bị tác động và chi phối bởi nhiều yếu tố.
Do vậy, các phòng tư vấn ở các trường cần phải phát huy hiệu quả trong công tác hỗ trợ. Giáo viên, nhà trường và cha mẹ cần quan tâm nhiều đến các em hơn, sớm nắm bắt các biểu hiện tâm lý bất thường, động viên chia sẻ tạo cho các em một không gian của sự yêu thương, gắn kết, cho các em tham gia nhiều các hoạt động có ý nghĩa như hoạt động thiện nguyện, các câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật các hoạt động thể dục thể thao, các bài học trải nghiệm về yêu chương, tinh thần trách nhiệm…
Nh. là người bị bạn học cùng trường đánh chảy máu đầu, gây chấn động não, phải điều trị gần nửa tháng tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế và đã xuất viện nhưng có tâm lý sợ hãi, không dám đến trường.
Theo trình bày của gia đình Nh., ngày 6/3, Nh. nhận được tin nhắn của bạn lớp 10 cùng trường là L.N.Q.Tr. hẹn gặp nhau ở công viên Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) để nói chuyện. Cùng ngày, khi Nh. đến công viên thì bất ngờ bị Tr. lao vào đánh tới tấp bằng mũ bảo hiểm. Chưa dừng lại, đến trưa ngày 7/3, trên đường đi học về, Nh. tiếp tục bị Tr. cùng đám bạn chặn đường dùng mũ bảo hiểm đánh chảy máu ở đầu.
Nh. về nhà trong tình trạng đầu đầy máu, choáng váng, khóc do sợ hãi nên ngất lịm và được đưa tới Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà cấp cứu. Sau đó, học sinh này được chuyển tuyến lên Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 trong tình trạng chấn động não để theo dõi, điều trị.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc là giữa Nh. với Tr. có lời qua tiếng lại trên mạng xã hội Facebook tạo nên mâu thuẫn.
Hoàng Thanh