Ngư dân thu "lộc biển" thu nửa triệu mỗi ngày sau bão
Sau bão Noru nước biển xã Tam Tiến đục, ngoài khơi sóng lớn nên cá thường dạt vào bờ. Muốn bắt được nhiều cá, ngư dân phải dậy sớm ra biển, vì khi mặt trời lên, sóng to thì thuyền nan nhỏ phải cập bờ, nếu không dễ gặp vùng nước xoáy và bị lật.
Ngư dân Đỗ Khê (trú xã Tam Tiến) cho hay, từ 3h sáng, ông đã thức dậy ra bãi biển cách nhà khoảng 300 m. Cùng các ngư dân trong địa phương, ông đẩy thuyền thúng ra biển bắt đầu hành nghề. Trên thúng của ông Khê có tấm lưới dài gần 1.000 m, cao 3 m với mắt lưới 2 cm. Khi cách bờ khoảng 200 m, ông buông một đầu lưới xuống nước rồi dùng tay chèo. Tấm lưới cước được sắp xếp gọn gàng nên thuyền đi đến đâu tự buông xuống. Sau 30 phút, tấm lưới tạo thành đường thẳng trên biển.
“Khi trời gần sáng, sóng biển mạnh dần thì cũng là lúc bắt đầu thu lưới đưa vào bờ…”, ông Khê tiết lộ.
Lúc này, đứng trên bờ, vợ con ông Khê đứng chờ sẵn để cùng chồng gỡ cá và bán tại chỗ cho thương lái. "Ngoài các loại cá nhỏ, thi thoảng cá hanh, cá mú cỡ lớn vẫn mắc lưới. Giá bán cá to cao gấp đôi so với cá nhỏ…”, ông Khê chia sẻ và cho hay, sau ba giờ đánh bắt gần bờ, ông thu được 6kg cá nhỏ các loại, bán được 500.000 đồng.
Theo nhiều ngư dân xã Tam Tiến, nghề đánh bắt cá gần bờ chủ yếu diễn ra vào mùa đông. Vào mùa này, biển đón gió mùa nên sóng lớn, nước đục. Tuy là nghề phụ nhưng giúp nhiều ngư dân có thêm thu nhập lúc rãnh rỗi.
Cũng như ngư dân Khê, ngư dân Nguyễn Nhựt (xã Tam Tiến) cho biết, tầm 4h sáng, ông chèo thúng ra khơi mang theo tấm lưới tự đan bằng thủ công để giăng bắt cá. Đến 7h, ông thu gom lưới lên thúng và đưa vào bờ để gỡ cá bán cho thương lái.
“Tôi bắt được gần 10kg cá các loại như liệt, mú nhỏ, kình… bán được hơn 500 ngàn đồng. Nghề này cũng vô chừng lắm, có lúc được nhiều, lúc được ít. Tuy đánh bắt gần bờ, nhưng cũng rất nguy hiểm vì đêm tối khó quan sát, sóng biển bất thường nên phải hết sức cẩn thận” - ông Nhựt chia sẻ.
Cũn theo ông Nhựt, ngày thường ông theo tàu thuyền ra biển chụp mực. Khi bão Noru xuất hiện thì dừng, chuyển sang đánh bắt gần bờ. Để hành nghề này, ngoài chiếc thuyền thúng, ông đầu tư tấm lưới khoảng 5 triệu đồng, dùng 3 năm mới hư hỏng.
Để công việc thuận lợi, ngoài ông Nhựt có một đồng nghiệp đi cùng, người chèo thuyền, người buông lưới. "Quá trình đánh bắt một người cũng làm được nhưng hơi cực, hai người khỏe hơn", ông Nhựt giải thích và chia sẻ thêm, chuyến biển này ông không bắt được nhiều. Nghề biển thu nhập không ổn định, hôm gặp may thu hơn triệu đồng, nhưng có hôm chỉ đủ cá ăn.
Theo ngư dân địa phương, cũng là nghề biển nhưng đánh bắt gần bờ sáng đi làm vài ba tiếng là về, chứ không phải lênh đênh trên biển dài ngày. Ngày con nước chảy mạnh thì đánh bắt được nhiều, ngày biển êm thì thu về ít. Vào vụ đánh bắt thì ngày nào cũng phải gắn bó mưu sinh, không thể bỏ sót.
Tại biển Tam Tiến, sau khi gỡ xong cá, thương lái mang rổ đến các thuyền thu mua, rồi đem phân loại. Giá bán tại biển cá dìa hơn 200.000 đồng, cá liệt 80.000 đồng, cá tràng 70.000 đồng/kg... Thương lái sau đó cho đá lạnh bảo quản cá, đưa lên các chợ bán giá cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg.
Một thương lái ở bãi biển xã Tam Tiến cho hay mỗi ngày thu mua khoảng 30kg, đem lên TP Tam Kỳ và các địa phương lân cận bán lẻ hoặc nhập cho các đầu mối.
Hồ Ca