Sản phẩm Make in Vietnam thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp
Các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam đang góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số nông nghiệp là cơ hội để Việt Nam thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị, để thay vào đó là một nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu và thông tin, giúp nông nghiệp Việt Nam vươn xa và có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là cách tạo động lực mới cho việc tăng trưởng, phát triển bền vững ở tương lai.
Thực tế thời gian qua, tiềm năng chuyển đổi số trong nông nghiệp ở nước ta còn rất lớn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp vẫn còn khá nhiều khó khăn như: Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng; diện tích canh tác nhỏ; dự báo sản lượng các sản phẩm nông nghiệp vẫn chủ yếu bằng kinh nghiệm; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế; nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người nông dân chưa cao.
Ảnh minh họa. |
Để góp phần giải bài toán chuyển đổi số nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã sẵn sàng nhập cuộc, nghiên cứu và triển khai nhiều sản phẩm, giải pháp có giá trị thực tiễn cao, đem lại lợi ích lớn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.
Điển hình như Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh của Công ty Cổ phần Rynan Technologies Vietnam, sản phẩm đạt giải Bạc hạng mục Sản phẩm số xuất sắc của Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021.
Hệ thống này do người Việt làm chủ từ khâu thiết kế phần cứng, giải pháp phần mềm…, có ứng dụng những công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh sẽ sử dụng đèn led để dẫn dụ, thống kê số liệu, hình ảnh, mật độ sâu rầy tự động, liên tục. Theo đó, người giám sát có thể theo dõi tình trạng, mức độ sâu rầy mọi nơi thông qua ứng dụng thông minh trên thiết bị máy tính hay điện thoại thông minh. Hệ thống vận hành nhờ năng lượng mặt trời, nhận dạng được nhiều các loại sâu rầy, côn trùng, giúp bộ phận giám sát tổng hợp và đưa ra các dự báo cho việc phòng trừ sâu bệnh, xuống giống...
Tính đến tháng 9/2021 đã có khoảng 250.590 người dùng truy cập ứng dụng di động để khai thác hiệu quả những tính năng, tác dụng của hệ thống này.
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021, Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh có giá trị thực tiễn cao, hỗ trợ tốt cho hiện trạng các vùng trồng trọt có diện tích lớn, thích hợp đặc biệt đối với miền Tây, nơi có những cánh đồng lúa rộng. Đây là một sản phẩm về hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp cần khuyến khích triển khai, và là mô hình mẫu mới để tham khảo trên diện rộng.
Cùng với sản phẩm công nghệ số hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nêu trên, trong số các sản phẩm, giải pháp đạt Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021 còn có 2 sản phẩm công nghệ số khác giúp nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.
Đó là Nền tảng Thương mại điện tử Vỏ Sò của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), đạt giải Vàng hạng mục Nền tảng số xuất sắc, và Nền tảng Thương mại điện tử Nông sản Việt – Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), đạt Top 10 hạng mục Thu hẹp khoảng cách số.
Từ tháng 7 đến tháng 11/2021, đã có hơn 4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên hai sàn Postmart và Vỏ Sò; hơn 49 nghìn sản phẩm nông sản được đưa lên 2 sàn này với tổng số hơn 67,5 nghìn giao dịch được thực hiện trên sàn.
Hiện Viettel Post và Vietnam Post vẫn đang tiếp tục nỗ lực hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, từng bước đào tạo để hình thành thế hệ nông dân mới - nông dân số Việt Nam.
Qua đó góp phần chung tay hiện thực hóa một trong những mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đã đề ra, đó là mỗi nông dân sẽ là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Và thế hệ "nông dân thông minh" sẽ góp phần giúp Việt Nam trở nên ngày càng hùng cường, thịnh vượng, sớm trở thành quốc gia phát triển.
Việt Hà