Rùng mình những chất độc trong thuốc lá
Trong thuốc lá có khoảng 60 hợp chất sinh ung thư và các chất kích thích cực kỳ nguy hiểm cho sức khoẻ người hút.
Những chất độc trong thuốc lá
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1/3 dân số toàn cầu, tức là khoảng 1.1 tỉ người hút thuốc lá, trong đó có 200 triệu người là phụ nữ.
Tính riêng theo giới tính, có 47% nam giới và 12% nữ giới trên toàn thế giới hút thuốc lá. Tỉ lệ này có thay đổi ít nhiều theo từng nước: Ở các nước đang phát triển, 40 đến 70% nam giới hút thuốc lá trong khi chỉ có 2 đến 10% nữ hút thuốc; còn ở các nước phát triển, nam giới hút thuốc lá 30%. Theo báo cáo gần đây, Việt Nam nằm trong top 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới.
BS Kiều Xuân Thy – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết trong một điếu thuốc lá có chứa từ 0,8 – 1g thuốc lá, bao gồm 10 – 20mg nicotine và hơn 2500 chất hóa học khác nhau: các chất nhà sản xuất đã thêm vào trong quá trình xử lý thuốc lá để tạo mùi thơm cho thuốc lá, chất độc trong lá cây thuốc lá tạo thành khi trồng thuốc lá: thuốc trừ sâu, thạch tín, cadmium...
Khi đốt điếu thuốc lá, một loạt chất độc khác hình thành, con số 2500 chất hóa học trong điếu thuốc lá đã chuyển thành 4000 chất hóa học trong khói thuốc lá. 4000 chất hóa học này được chia làm 4 nhóm như sau:
Oxyde carbon (CO): đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của oxy (O2) trên hồng cầu. Ái lực của hemoglobine hồng cầu với CO mạnh gấp 210 lần so với O2 và như thế sau hút thuốc lá, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển O2 vì đã gắn kết với CO. Hậu quả là cơ thể không đủ oxy để sử dụng.
Ảnh minh hoạ. |
Hắc ín: là những chất có có khả năng sinh ung thư, khoảng 60 chất như là: benzopyrene, chlorua vinyl (thành phần túi nhựa tổng hợp), napthalene (chất diệt mối), diméthynitrosamine, dibenzacridine .v.v.
Chất kích thích: aldenydes, acroleine, phénols .v.v. kích thích cây phế quản và là nguồn gốc gây nên các bệnh hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), làm nặng thêm bệnh hen .v.v.
Nicotine: có ái lực lớn với thụ thể nicotine ở não bộ, khi gắn kết vào thụ thể này gây ra các hiệu ứng tâm thần kinh, quyết định việc phát sinh và duy trì tình trạng nghiện thuốc lá.
Bệnh do thuốc lá
BS Thy cho biết không có ngưỡng an toàn cho thuốc lá hút bao nhiêu thì không gây hại. Đến nay, nhìn chung thuốc lá gây tác hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Bệnh lý hàng đầu do thuốc lá gây ra là ung thư: 30% tất cả các loại ung thư trong đó ung thư phế quản đứng đầu danh sách, kế đến là ung thư các cơ quan khác có thể kể ra là: thanh quản, vòm hầu, khoang miệng, thực quản, dạ dày, tụy tạng, bàng quang, thận; cổ tử cung, và vú ở nữ.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phế quản gấp 15 lần, hầu – thanh quản gấp 10 lần, thực quản gấp 7 lần, khoang miệng và thận gấp 4 lần, bàng quang gấp 3 lần, tụy tạng gấp 2 lần.
Người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc ung thư máu, ung thư não cao hơn người bình thường đặc biệt là khi bị tiếp xúc với thuốc lá thụ động từ trong bào thai hay lúc bé.
Những bệnh lý không phải ung thư do thuốc lá gây ra rất nhiều bao gồm: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; bệnh tim mạch (bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, tai biến mạch máu não, thuyên tắc mạch chi dưới); bệnh lý đường tiêu hóa như loét dạ dày, tá tràng; ảnh hưởng lên chức năng sinh sản nam cũng như nữ; ảnh hưởng lên diễn tiến bình thường của thai kỳ.
Tiếp xúc khói thuốc lá thụ động là nguyên nhân gây một số bệnh ở trẻ em như tăng tần suất viêm tai giữa, cơn hen cấp .v.v.
Ở nam nữ đang trong độ tuổi sinh sản, thuốc lá ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh sản của họ. BS Thy cho biết đối với nam giới: Giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh. Đối với phụ nữ và bào thai: Tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, dị dạng thai nhi. Nguy cơ bị thiếu cân sẽ cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.
Với người hút thuốc để bảo vệ sức khoẻ của chính mình thì cách duy nhất là cai nghiện thuốc lá. BS Thy cho rằng theo khuyến cáo của WHO, các biện pháp điều trị được minh chứng là có hiệu quả là: điều trị nhận thức thay đổi hành vi, điều trị bằng thuốc: nicotine thay thế, bupropion, varenicline.
Tùy trường hợp, bác sỹ quyết định dung biện pháp điều trị nào, đơn thuần hay kết hợp 2 thậm chí 3 biện pháp. Trong mọi trường hợp đều gồm điều trị nhận thức- thay đổi hành vi. Ngoài các phương pháp trên Y học cổ truyền cũng bổ trợ một phần trong cai nghiện thuốc lá.
Khánh Chi