Rộn ràng lớp học xóa mù chữ ở huyện biên giới Nghệ An
Bản Mường Lống (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) thuộc địa bàn biên giới, người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số với đời sống còn gặp muôn vàn khó khăn. Nơi đây, cái đói cái nghèo còn hiện diện, trình độ dân trí thấp, thậm chí nhiều người dân còn mù chữ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì thế, thực hiện chủ trương về chống tái mù và xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tri Lễ cùng phối hợp với UBND xã Tri Lễ, Đồn Biên phòng Tri Lễ, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 đã khai giảng lớp xóa mù, chống tái mù chữ cho chị em phụ nữ tại bản Mường Lống.
Khóa học diễn ra trong thời gian 6 tháng do các cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 trực tiếp lên lớp, giảng dạy.
Thiếu tá Hồ Đình Trường, cán bộ Đồn biên phòng Tri Lễ làm tổ trưởng ở trạm Biên phòng Mường Lống, cho biết: “Chương trình gồm 2 môn Toán (105 tiết) và Tiếng Việt (204 tiết). Lớp học được mở nhằm giúp đỡ đồng bào, nhất là phụ nữ dân tộc Mông tại bản Mường Lống biết đọc, biết viết, tính toán, góp phần nâng cao kiến thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới.
Theo kế hoạch, để không ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con nên lớp được tổ chức học tập vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Kết thúc khóa học sẽ kiểm tra đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho các học viên”.
Khuôn viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 ở trung tâm bản, cũng chỉ có duy nhất một phòng học sáng đèn điện năng lượng mặt trời, đó là lớp học đặc biệt cho các học viên xóa mù.
Có một thực tế là ở vùng đất nghèo, cằn cỗi, nơi mà cái ăn, cái mặc còn túng thiếu thì cái chữ còn chưa được người dân để tâm đến. Việc tuyên truyền, vận động bà con đến lớp những buổi đầu cũng gặp khó khăn khiến cho giáo viên thêm phần vất vả.
“Do người dân nơi đây hầu hết làm nghề nông rất vất vả, sáng họ đã lên nương rẫy canh tác, đến chiều tối về lo ăn uống, nghỉ ngơi để ngày mai lại tiếp tục đi làm nên việc vận động bà con sắp xếp thời gian để tham gia lớp học cũng ít nhiều khó khăn”, giáo viên lớp học xóa mù chữ Mường Lống cho hay.
Còn theo Thiếu tá Hồ Đình Trường, các học viên ở lớp học đặc biệt này đều đã lớn tuổi nên khi cầm bút viết chữ rất cứng tay. Thỉnh thoảng giữa giờ, giáo viên lại tổ chức vui văn nghệ để mọi người hứng khởi học tập.
"Qua một thời gian, đến nay các học viên cơ bản biết viết, biết đọc. Có một số học viên đã đọc thông, viết thạo được nhiều chữ. Ban đầu nhiều học viên e ngại, song đến nay có nhiều học viên mới đã xin được vào lớp để học chữ", Thiếu tá Hồ Đình Trường chia sẻ thêm.
Với sự quyết tâm vượt qua những khó khăn để duy trì bằng được lớp học xóa mù cho bà con, các chiến sĩ đã nỗ lực hết sức để lớp học hoạt động. Ngoài ra, trong quá trình dạy chữ, các chiến sĩ còn thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước vào nội dung bài học để giúp các học viên có thêm kiến thức.
Sự tận tâm, chịu khó của những thầy giáo bộ đội đã giúp phụ nữ bản Mường Lống vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, chăm chỉ đến lớp mỗi tối để học chữ. Sau 4 tháng khai giảng, phần lớn học sinh trong lớp học đặc biệt ở biên giới này đều có thể đọc, viết tiếng Việt.
Chị Và Y Ai vui mừng kể: “Những ngày đầu đi học, chị em chúng tôi tập cầm bút đau ngón tay lắm, hai mắt cay xè, buồn ngủ. Nhưng được thầy giáo biên phòng động viên, chỉ dạy, mọi người đã cố gắng vượt qua. Giờ đây, ai cũng có thể đọc được, viết được nên vui lắm”.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng đóng góp của những người lính ở biên cương đã góp phần làm ấm thêm tình quân dân nơi vùng cao biên giới.
Hoàng Thanh