Quen bạn trai qua mạng, cô gái không ngờ bị bán vào "động" mại dâm
17 tuổi, N. quen một người bạn trai qua mạng xã hội. Sau thời gian trò chuyện trên mạng ảo. Họ hẹn gặp mặt nhau ngoài đời thực ở Hà Nội.
Cô gái 17 tuổi háo hức ra Thủ đô. Nhưng không ngờ đó cũng là thời khắc cuộc đời cô rơi xuống vực. Sau khi gặp gỡ bạn trai qua mạng, N. bị lừa và bán vào một “động” mại dâm ở Trung Quốc.
Từ đó, N. bị bóc lột tình dục triền miên cho đến khi được giải cứu về nước. Trở về từ bên kia biên giới, N. được tạm trú tại Ngôi nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).
Đó là một trong số hàng trăm phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người đã được Ngôi nhà bình yên hỗ trợ trong suốt những năm qua.
Bà Lê Thị Ngọc Bích, nhân viên tham vấn Trung tâm Phụ nữ và phát triển cho biết, 15 năm qua, Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 430 phụ nữ, trẻ em bị mua bán hoặc nghi bị mua bán trở về.
Đặc biệt, những năm gần đây, nơi này đã tiếp nhận nhiều ca là phụ nữ mang thai hoặc trẻ sơ sinh được cơ quan công an chuyển giao trong các vụ án mua bán người.
Như đầu năm 2021, Ngôi nhà bình yên đã đón nhận 4 cháu bé và 2 phụ nữ đang mang thai về tạm trú.
Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM), bà Park Mi-Hyung cho rằng, cần nắm bắt các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, xây dựng và giảm thiểu nguy cơ; nâng cao kiến thức, kỹ năng để không trở thành nạn nhân của bóc lột, lạm dụng qua mạng, xem công nghệ như yếu tố để giúp gia tăng phòng ngừa, truy tố, bảo vệ nạn nhân và hợp tác các bên liên quan trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người…
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, để giảm thiểu tình trạng mua bán người, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái thì sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tham mưu liên Bộ và các cơ quan liên quan vô cùng quan trọng, giúp tạo ra các cơ chế có sẵn để phản ứng nhanh, linh hoạt trong giải cứu và giúp đỡ nạn nhân.
Với vai trò là tổ chức Hội đồng hành với phụ nữ và trẻ em gái, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thông tin, hiện các cấp Hội có gần 2.000 trang fanpage facebook, hơn 11.000 nhóm zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền của các cấp Hội.
Các cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các cấp hội bên cạnh việc lắng nghe tâm tư của hội viên cũng sẽ là nguồn thông tin chính thống cung cấp kiến thức, kỹ năng toàn diện cho hội viên, phụ nữ và nhân dân, đồng thời tạo hiệu ứng lan toả trong các tầng lớp phụ nữ, cộng đồng xã hội về phòng, chống mua bán người.
Theo đó, nhiều kiến thức về việc sử dụng công nghệ số an toàn, di cư hợp pháp, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo sinh kế, kết nối việc làm tại địa phương… cũng được tích cực đẩy mạnh hoạt động trên các kênh truyền thông từ đó, hạn chế tình trạng mua bán người.
N. Huyền