Quan tâm định hướng để trẻ sử dụng internet an toàn, thiết thực
Anh Nguyễn Hoàng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, anh có hai con đang học lớp 6 và lớp 10. Dịch Covid-19 kéo dài 2 năm nên các con anh phải học online. Việc học trực tuyến đem lại cho cả cô giáo và học sinh sự tiện lợi nhất định. Những kiến thức hữu ích, bài giảng thiết kế sinh động, thú vị đã nâng cao hiệu quả trong học tập của các con anh Hoàng.
Tuy nhiên, theo anh Hoàng, song song với sự thiết thực nói trên thì môi trường mạng cũng tiềm ẩn không ít cạm bẫy.
“Học online xong, tôi thường cho con ngồi thêm ít phút để xem hoạt hình, chơi game giải trí. Tuy nhiên, một lần nọ vào lịch sử truy cập mạng, tôi thấy con trai lớn rất hay vào các trang Youtube có nội dung bạo lực, những trang mạng có hình ảnh và lời nói thô tục.
Tá hỏa, tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong, hai vợ chồng đã ngồi lại nói chuyện, phân tích cho con thấy những tác hại tiềm ẩn của mạng xã hội, nếu không tỉnh táo thì sẽ rất dễ trở nên hư hỏng, sa ngã”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng cho biết, cũng từ khoảng thời gian đó, vợ chồng anh đã giám sát chặt chẽ việc sử dụng máy tính, điện thoại của con và dành nhiều thời gian hơn để tâm sự với các con.
Cũng gặp phải tình cảnh tương tự, anh Đoàn Văn Vương (TP Tam Kỳ) cho hay, hai vợ chồng anh đi làm tối ngày nên rất khó có thể kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng máy tính, mạng xã hội của các con. Một lần đi làm về sớm, anh phát hiện cậu con trai lớp 8 đang coi Youtube với nội dung bạo lực, nhảm nhí nên liền nhắc nhở.
“Không thể phủ nhận việc con thường xuyên xem các clip nước ngoài trên Youtube giúp khả năng nghe, nói tiếng Anh tiến bộ. Tuy nhiên, khi không có sự kiểm soát của ba mẹ, có thể các cháu sẽ truy cập vào các video có nội dung vô bổ, nhảm nhí. Chưa kể, trẻ cũng rất dễ bắt chước theo các nhân vật bạo lực mà mình ưa thích”, anh Vương nhận định.
Theo anh Vương, mạng Internet mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em, từ cung cấp thông tin, kiến thức cho đến giải trí, tăng cường kỹ năng sử dụng công nghệ... nhưng việc trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần, hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng như: bị mất thông tin cá nhân, lừa đảo, bị quấy rối, nghiện game.
“Để con hạn chế thời gian lên mạng xã hội hay internet, các dịp cuối tuần hay lễ tết, vợ chồng tôi thường chở các cháu về quê chơi với ông bà hay đi câu cá thư giãn”, anh Vương chia sẻ.
Trao đổi với PV Infonet, bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết, công nghệ thông tin phát triển giúp trẻ có môi trường học tập, tìm hiểu kiến thức, nâng cao năng lực. Tuy nhiên, sự xuất hiện tràn lan của các nội dung, video nhảm nhí, bạo lực và website độc hại đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức, kích thích sự tò mò của trẻ.
Thậm chí trẻ sử dụng mạng xã hội có thể vướng vào các bình luận miệt thị, ác ý, đả kích của cư dân mạng; một số kẻ xấu tiếp cận và gạ gẫm trẻ tham gia các hành vi đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, video nhạy cảm.
“Thời gian qua, chúng tôi tổ chức nhiều lớp tập huấn, cảnh báo về xâm hại trẻ trên không gian mạng. Tại đây, trẻ tương tác, trao đổi tích cực và đặt ra rất nhiều câu hỏi cho chúng tôi về việc sử dụng internet, tham gia mạng xã hội. Điều này cho thấy, không gian mạng thu hút sự quan tâm, tò mò của trẻ.
Do đó, các bậc phụ huynh, nhà trường cần quan tâm, định hướng để trẻ sử dụng internet vào các hoạt động có ích, thiết thực; theo dõi, quản lý và hướng dẫn các kỹ năng để trẻ tương tác lành mạnh trên môi trường mạng; cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung không phù hợp với trẻ em”, bà Ngọc chia sẻ.
Sơn Tùng