Miệt thị trẻ em tại các buổi livestream là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Ngày 3/11, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện KSND TP.HCM, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng phạm tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Điều đáng chú ý trong vụ án này là trong các buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội bị can này có nhiều thông tin nội dung đề cập đến trẻ em (cụ thể là con ca sĩ Vy Oanh), có tính chất quy kết, kỳ thị những đứa trẻ còn rất nhỏ tuổi... Vậy hành vi của bị can Nguyễn Phương Hằng vi phạm điều khoản nào?
Chia sẻ với phóng viên, Ts. Ls. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật Việt Nam có rất nhiều nội dung quy định về bảo vệ danh dự nhân phẩm, uy tín của công dân, trong đó đặc biệt là đối với trẻ em.
Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của công dân là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án với bị can Nguyễn Phương Hằng bị điều tra về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội làm căn cứ để đề nghị Viện kiểm sát truy tố và Tòa án xét xử theo quy định của pháp luật.
Đối với các buổi livestream có nhắc đến con ca sĩ Vy Oanh, TS. luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thu thập đầy đủ các video clip đăng tải trên mạng xã hội để xác định hành vi, nguyên nhân, động cơ và đánh giá hậu quả mà hành vi phạm tội đã gây ra đối với xã hội, với các tổ chức, cá nhân làm căn cứ để buộc tội và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do ngôn luận nhưng cũng bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mọi công dân. Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, đi quá giới hạn của tự do ngôn luận, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Người thực hiện hành vi có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 331 Bộ luật Hình sự khi hành vi được xác định là gây hậu quả xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Hành vi đưa ra những thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, nếu hành vi đó gây ra hậu quả nghiêm trọng bởi nạn nhân có đơn tố cáo, tố giác thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo điều 156 Bộ luật Hình sự hoặc tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp nạn nhân không có đơn trình báo tố giác, không đề nghị xử lý những hành vi được đăng tải công khai trên không gian mạng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì không cần có đơn thư tố cáo, tố giác của nạn nhân, cơ quan điều tra vẫn có thể vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý hình sự theo điều 331 Bộ luật Hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
“Trường hợp cơ quan tố tụng có căn cứ kết luận bị can đã thực hiện hành vi phạm tội là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là trẻ em (người dưới 16 tuổi) thì đây có thể được xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Phạm tội với người dưới 16 tuổi có thể được xác định là tình tiết định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng được quy định tại điều 52 Bộ luật Hình sự”, luật sư Đặng Văn Cường thông tin.
Theo luật sư, trong thời gian qua cơ quan điều tra ở nhiều địa phương đã khởi tố nhiều đối tượng về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhiều đối tượng đã bị xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Trong vụ án Nguyễn Phương Hằng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ những hành vi nào được xác định là hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ và hành vi đó đã xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân nào, hậu quả đã gây ra ở mức độ ra sao. Đặc biệt sẽ làm rõ những nạn nhân nào là trẻ em, người dưới 16 tuổi. Trong trường hợp hành vi được xác định là phạm tội với trẻ em thì đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
N. Huyền