'Lặng lẽ' rời cảng, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đi đâu?
Tàu sân bay Sơn Đông vừa rời cảng Đại Liên đi hoạt động, giới phân tích quân sự của Trung Quốc đưa ra 3 kịch bản cho hoạt động của con tàu này.
Vì sao Mỹ liên tục tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông từ đầu năm?
Kể từ đầu năm nay, Mỹ liên tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông giữa lúc quân đội các nước giảm tần suất hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Sáng 25/5, theo báo cáo của Sina (Trung Quốc), tàu sân bay Sơn Đông số hiệu 17 của Trung Quốc đã “lặng lẽ” rời cảng Đại Liên mà không mang theo bất kỳ máy bay nào. Đây là chuyến đi đầu tiên sau 140 ngày tàu sân bay này bảo dưỡng ở cảng Đại Liên kể từ tháng 1/2020.
Tàu sân bay Sơn Đông rời cảng Đại Liên. Nguồn: Sina. |
Hiện, chưa có thông báo chính thức nào từ Hải quân Trung Quốc về hoạt động của con tàu này, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự Bắc Kinh, máy bay chiến đấu J-15 và trực thăng Z-8 đã là biên chế “cứng” của tàu sân bay Trung Quốc, do đó không có lý do gì để con tàu này rời cảng đi hoạt động mà không mang theo bất kỳ một máy bay nào. Có 3 khả năng cho hoạt động của con tàu này:
Thứ nhất, tàu Sơn Đông rời cảng để tham gia diễn tập cùng với các lực lượng khác ở Vịnh Bột Hải. Theo thông báo của Cục quản lý hàng hải Trung Quốc, từ ngày 14/5-31/7, Quân đội Trung Quốc tiến hành diễn tập quy mô lớn ở khu vực cảng Đường Sơn và Kinh Đường, tại vịnh Bột Hải.
Các học giả Trung Quốc dự đoán rằng cuộc tập trận này diễn ra với thời gian dài, trên khu vực rộng lớn, nhiều quân binh chủng tham gia; tiến hành nhiều khoa mục quân sự thực binh như: đổ bộ xuyên chiến khu, chống đổ bộ, và phòng không chống tên lửa.
Trong bối cảnh bà Thái Anh Văn vừa tổ chức lễ nhậm chức lãnh đạo chính quyền Đài Loan nhiệm kỳ mới vào ngày 20/5, sự xuất hiện của tàu Sơn Đông trong cuộc diễn tập này sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe.
Tàu Sơn Đông có thể tham gia cuộc tập trận quy mô lớn ở Vịnh Bột Hải. Nguồn: Sina. |
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho rằng, với sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông, Hải quân Trung Quốc sẽ có thể tiến hành nhiều hoạt động hiệp đồng tác chiến như đổ bộ đường không và đường biển, phòng không chống tên lửa, đối kháng điện tử… để đảm bảo rằng một khi chính quyền Đài Loan vượt qua “ranh giới đỏ” của “Luật chống ly khai”, Trung Quốc “sẽ quyết tâm và có khả năng giải quyết vấn đề Đài Loan bằng biện pháp không hòa bình”.
Chuyên gia quân sự Lý Kiệt cho biết, trong bối cảnh Mỹ đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Đài Loan và cũng có ý định bán vũ khí cho Đài Bắc, cuộc tập trận lần này với sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông chủ yếu là để đối phó với hành động mạo hiểm có thể có của Mỹ chống lại Trung Quốc.
Thứ hai, tàu sân bay Sơn Đông sẽ hành trình đến cảng Thanh Đảo, sau đó cùng tiến hành diễn tập với trung đoàn máy bay đang đồn trú ở đây, khả năng này là rất lớn, vì nếu không có máy bay thì một con tàu sân bay sẽ chỉ là “đồ trang trí”. Trong khi đó, Trung đoàn máy bay biên chế trên tàu sân bay hiện đang đồn trú tại Thanh Đảo đã tiến hành nhiều cuộc huấn luyện để phù hợp với việc cất hạ cánh trên tàu Sơn Đông.
Quân cảng Thanh Đảo cũng là một địa điểm mà con tàu này có thể sẽ tới. Nguồn: Sina. |
Thứ ba, con tàu này sẽ tập hợp cùng biên đội tàu hộ tống ở Thanh Đảo sau đó di chuyển xuống căn cứ ở đảo Hải Nam, để tiến hành huấn luyện và chính thức biên chế hoạt động cho Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc. Theo chuyên gia Lý Kiệt, không loại trừ khả năng, tàu Sơn Đông sau khi đến Hải Nam sẽ tiến hành hoạt động huấn luyện cất hạ cánh trong điều kiện khắc nghiệt ở Biển Đông.
Đây sẽ là tiền đề để con tàu này tham gia vào cuộc tập trận đổ bộ lớn trên Biển Đông tới đây với kịch bản giả tưởng là “đổ bộ lên quần đảo Đông Sa”. Trước đó, theo báo cáo của hãng thông tấn Kyodo Nhật Bản, cuộc tập trận sẽ được thực hiện bởi Chiến khu miền Nam và sẽ huy động các tàu đổ bộ, tàu đệm khí, máy bay trực thăng và thủy quân lục chiến, với “quy mô chưa từng có”.
Quần đảo Đông Sa là một trong bốn quần đảo lớn trên Biển Đông, nằm ở đông bắc Biển Đông, cách thành phố Sán Vĩ, tỉnh Quảng Đông khoảng 260 km về phía nam, cách Hồng Kông 340 km, cách Đài Bắc 850 km. Hiện quần đảo này do Đài Loan quản lý và kiểm soát trên thực tế, đặt trong thành phố Cao Hùng.
Đức Trí (lược dịch)