F-35 Lightning II sẽ lấy lại vị thế trước Su-57 của Nga
Hai “thế lực bầu trời” Su-57 của Nga và F-35 của Mỹ đều có những thế mạnh riêng, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng Su-57 có phần nhỉnh hơn F-35 ở một vài thông số về mặt lý thuyết.
Theo Defense News, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã giảm số lượng thiếu sót nghiêm trọng của máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35 Lightning II thế hệ thứ năm hiện tại từ 13 thiếu sót xuống còn 7. Do đó, chiến đấu Su-57 đầy hứa hẹn của Nga sẽ đánh mất một phần lợi thế so với máy bay Mỹ.
Tiêm kích Su-57 (còn gọi là PAK FA, tên thử nghiệm là T-50) là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm của Nga được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại mục tiêu trên không, trên mặt nước và trên mặt đất. Máy bay bay lần đầu tiên năm 2010. Sự kết hợp giữa tính năng cơ động cao với khả năng thực hiện các chuyến bay siêu thanh, cũng như tổ hợp thiết bị điều khiển hiện đại và đặc điểm khó bị phát hiện mang lại cho Su-57 ưu thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.
Theo đó, một trong những nhược điểm là chế độ hoạt động của radar AN/APG-81 do Tập đoàn Northrop Grumman chế tạo, với ăng ten mảng pha chủ động (AFAR), có khả năng quét không gian trên biển chỉ trong khu vực nằm ngay phía trước máy bay chiến đấu.
Tiêm kích F-35 Lightning II do Lockheed Martin sản xuất. (Ảnh tư liệu) |
Northrop Grumman trước đó tuyên bố vừa hoàn thành chuyển giao hệ thống radar AN/APG-81 thứ 500 cho F-35. Đây là nền tảng cung cấp hệ thống cảm biến của dòng tiêm kích tàng hình này và kịp thời phát hiện những tình huống trên chiến trường giúp phi công đưa ra phản ứng kịp thời ở khoảng cách an toàn.
Ngoài ra, tạp chí này cũng lưu ý rằng, tính năng này không liên quan đến thiết kế vật lý của AN/APG-81, và nó được lên kế hoạch để giải quyết vấn đề trước năm 2024 bằng cách tăng sức mạnh tính toán của thiết bị và cập nhật phần mềm.
Đồng thời, tạp chí cho rằng, các nhược điểm khác của F-35 Lightning II có liên quan tới việc tăng áp buồng lái và mũ bảo hiểm phi công.
Theo các tài liệu, trên không, AN/APG-81 có thể phát hiện ra mục tiêu có diện tích 1m2 ở khoảng cách 150 km. AN/APG-81 có thể theo dõi 23 mục tiêu trong vòng 9 giây và radar này chỉ cần 2,4 giây để thông báo cho hệ thống vũ khí trang bị trên F-35 khai hỏa tiêu diệt 19 mục tiêu trong số đó.
Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời được sản xuất từ năm 2001. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.
Theo các chuyên gia, 2 máy bay chiến đấu trên hoàn toàn khác nhau. F-35 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ có độ cơ động thấp hơn mức trung bình. Nó được thiết kế nhẹ hơn và ít tốn kém hơn so với máy bay chiến đấu F-22 Raptor, hiện không còn được tiếp tục sản xuất. Ngược lại, Su-57 lại được chế tạo như một máy bay chiến đấu hạng nặng, có khả năng thực hiện vai trò tác chiến không đối không. Giới chuyên gia đánh giá cao Su-57 ở tốc độ, cao độ, hệ thống cảm biến, khả năng mang vũ khí, tầm hoạt động và tính cơ động so với đối thủ F-35.
Thanh Bình (lược dịch)