Phụ huynh xông vào trường tát bạn của con: Bố mẹ cũng cần chấp hành quy tắc ứng xử trong môi trường học đường
Nghe con trai kể mình bị bạn đánh, một phụ huynh ở Long An đã vào tận lớp, tát nhiều cái vào mặt và đầu một nữ sinh lớp 7 để “giải quyết” mâu thuẫn thay cho con.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho biết đã văn bản đề nghị UBND huyện Thủ Thừa chỉ đạo ngành giáo dục, công an cần xác minh làm rõ để xử lý nghiêm vụ bạo lực học đường, cụ thể là phụ huynh vào trường đánh học sinh ngay tại lớp.
Theo đó, sáng 10/3, ông N.K.A. và bà Đ.T.K.C. (thị trấn Thủ Thừa, Long An) là cha mẹ em Đ., học sinh lớp 7/7 tại cơ sở 2 Trường THCS thị trấn Thủ Thừa, đã dẫn theo một số người xông vào đánh nữ sinh T. cùng học lớp 7/7.
Tiếp đó, những người này sang lớp 7/8 kế bên, tại đây ông A. bảo con mình đánh em H. đang học lớp 7/8.
Trường THCS TT.Thủ Thừa (ảnh: K.T) |
Báo cáo của Phòng giáo dục và đào tạo huyện Thủ Thừa cho biết khi ông A. và bà C. dẫn theo người vào trường, 2 nhân viên bảo vệ đã ra sức can ngăn nhưng nữ sinh T. vẫn bị ông A. cùng một người đàn ông khác đánh nhiều phát vào mặt.
Phụ huynh em T. hay tin chạy tới còn bị ông A. chỉ mặt răn đe: "Ông dạy con không được thì tôi dạy".
Ban giám hiệu nhà trường đã phải gọi điện nhờ công an địa phương đến hỗ trợ, ông A. mới chịu vào văn phòng nhà trường làm việc.
Qua làm việc với công an, ông A. cho rằng vào buổi chiều trước đó, nghe con mình bị các học sinh lớp 7/7 và 7/8 đánh và hăm dọa "sẽ đánh tiếp" nên mới tức giận kéo người vào trường đánh những học sinh đã đánh con mình.
Phụ huynh cần thực hiện văn hóa học đường
Theo Bộ GD&ĐT thì tuyên truyền bộ quy tắc văn hóa ứng xử học đường trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và ý thức công dân cho học sinh, cán bộ công nhân viên cũng như phụ huynh khi đến nhà trường làm việc.
Văn hóa học đường được biểu hiện ở các khía cạnh như giao tiếp, ứng xử văn hóa thông qua công tác giảng dạy, học tập, hoạt động tập thể, vui chơi.
Với phụ huynh học sinh văn hóa trong môi trường học đường thể hiện ở thái độ của phụ huynh học sinh tại trường với cán bộ, giáo viên, nhân viên phải có thái độ lịch sự, hoà nhã, văn minh; không sử dụng bạo lực trong môi trường học đường ...
Thời gian qua Bộ GD& ÐT đã quan tâm ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, người học nhằm xây dựng môi trường sư phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục.
Ðể công tác xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường thật sự có hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng cần đổi mới phương pháp dạy học các môn học như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử... theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Trong đó, hết sức coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học; giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân.
Bên cạnh đó, các trường cần đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại..., phát huy vai trò hướng dẫn về ứng xử văn hóa của các học sinh khóa trước, đội ngũ cán bộ lớp, chi đoàn đối với các học sinh. Phải làm được điều đó thì mới mong đẩy lùi được bạo lực học đường.
Bộ GD&ĐT cũng cho rằng các cơ sở giáo dục cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình phổ biến, tuyên truyền văn hóa trong môi trường học đường. Ðây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường.
Cụ thể, nhà trường có thể lựa chọn hình thức sinh hoạt là giao một lớp chọn chủ đề, tự thiết kế và thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Những câu chuyện ý nghĩa, những vở kịch hay, những vấn đề mang tính thời sự, chủ đề giáo dục truyền thống đã làm lay động trong tâm hồn các em, từ đó các em có ý thức rèn luyện bản thân để sống tốt hơn. Qua những lần tổ chức, bản thân từng học sinh rút ra nhiều bài học bổ ích về đạo đức và kỹ năng sống, có ý thức rèn luyện cách ứng xử ngày càng có văn hóa hơn.
Phụ huynh cũng cần có trách nhiệm cao trong việc cùng với nhà trường xây dựng bộ quy tắc này và phổ biến tới học sinh.
Hoàng Thanh