Phụ huynh ‘nổi xung’ với cô giáo chuyện bài tập về nhà của con
Một nam phụ huynh Trung Quốc đã bất đồng ý kiến gay gắt với cô giáo về chuyện yêu cầu người này kiểm tra bài tập về nhà của con.
Trong một đoạn video, một nam phụ huynh đã phàn nàn trước việc giáo viên yêu cầu anh này cho con tới học các lớp sau thời gian ngồi học ở trường. Giáo viên cũng yêu cầu nam phụ huynh kiểm tra bài tập về nhà của con. Sau đó, thông tin này đã nhanh chóng biến thành màn tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc về việc có phải bố mẹ đang phải gánh quá nhiều việc thuộc về chuyên môn của giáo viên.
Thậm chí, vì quá tức giận, nam phụ huynh đã quyết định ra khỏi nhóm WeChat, một ứng dụng mà các phụ huynh trong lớp vẫn thường dùng để liên lạc với giáo viên.
Phụ huynh bất đồng với cô giáo chuyện kiểm tra bài tập về nhà của con. (Ảnh: Reuters) |
Người bố của học sinh đã cáo buộc giáo viên đổ trách nhiệm lên vai phụ huynh. “Tôi trả tiền để cô giao bài tập về nhà cho tôi chăng? Nếu cô không thể làm tròn trách nhiệm của mình, thì đừng làm giáo viên nữa”, nam phụ huynh bức xúc nói trong đoạn video.
Trên mạng xã hội, lời chỉ trích của nam phụ huynh được không ít phụ huynh khác đồng cảm bởi họ cũng từng bị giáo viên yêu cầu kiểm tra bài tập về nhà của con và phải tham gia vào hàng loạt hoạt động tại trường sau giờ lên lớp.
Song nhiều người nhận định các bậc phụ huynh nên tham gia vào hoạt động giáo dục con em khi nhà trường kêu gọi phụ huynh hỗ trợ kiểm tra bài vở của con ở nhà.
“Chuyện này hết sức bình thường giống như một số trường học trong thành phố nơi tôi ở, các giáo viên cũng yêu cầu phụ huynh kiểm tra bài tập về nhà của con em. Nhưng đối với một số phụ huynh, kiểm tra bài tập về nhà của con như một nhiệm vụ khó khăn, một số người nghĩ họ còn bận kiếm sống mà không có thời gian chăm lo cho con và một số người không đủ trình độ học vấn đề học cùng con”, cô Ren Xian, giáo viên tại trường cấp hai ở thành phố Bảo Kê của tỉnh Thiểm Tây chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu.
Còn hôm 10/11, Sở Giáo dục tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã ban hành văn bản yêu cầu khối lượng bài tập mà các giáo viên giao cho học sinh cấp 1 và 2 nên được tính toán hợp lý, cũng như yêu cầu giáo viên tự kiểm tra bài tập về nhà của học sinh.
Ngoài ra, Sở Giáo dục Liêu Ninh cấm giáo viên giao bài tập về nhà qua các nền tảng mạng xã hội như WeChat, trong khi đây là hành động khá phổ biến mà nhiều trường đang áp dụng. Sở Giáo dục Liêu Ninh cũng yêu cầu đưa năng lực quản lý chất lượng bài tập về nhà vào trong bản đánh giá chất lương giáo viên hàng năm.
Theo thepaper.cn, kể từ năm 2018, ít nhất 10 tỉnh thành của Trung Quốc gồm Liêu Ninh, Hồ Bắc, Thiểm Tây đã ban hành công văn chính thức về việc “dừng” yêu cầu phụ huynh kiểm tra và sửa bài tập về nhà cho con.
Song theo cô Ma Xiaolan, phụ huynh của một học sinh cấp 2 ở Thượng Hải, việc ngồi kèm cặp con ở nhà là chuyện cần thiết.
Bởi theo cô Ma, trung bình cô thường dành 4 giờ/ngày để ngồi bên cạnh con trai khi con làm bài tập về nhà, dù hành động này không phải do cô giáo yêu cầu. Cô Ma cho biết có quá nhiều bài tập về nhà và con trai cô còn nhỏ tuổi nên không phải lúc nào cũng chú tâm làm hết bài.
“Việc một đứa trẻ ngồi học tới 10 giờ tối hàng ngày là chuyện bình thường. Nhưng cũng khó để bọn trẻ có thể hoàn thành hết bài tập mà không có sự hỗ trợ từ phía bố mẹ”, cô Ma cho rằng, phụ huynh và giáo viên cần thấu hiểu nhau hơn để giáo dục trẻ.
Thầy giáo Wang Yu dạy môn sinh học ở một trường cấp 3 tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, người nổi tiếng trên nền tảng Tik-Tok với hơn 3,75 triệu người hâm mô, cũng cho biết anh thường xuyên nhận được lời phàn nàn tương tự như trên từ phụ huynh khi nói về chuyện giáo dục con trẻ.
Theo thầy Wang, nhiều phụ huynh bất đồng quan điểm với giáo viên về việc giám sát con làm bài tập về nhà bởi trình độ học vấn của họ không đủ để hỗ trợ con. “Phụ huynh chỉ cần giám sát để con hoàn thành bài tập đúng giờ là được”, thầy Wang cho hay.
Cũng theo thầy Wang, phụ huynh vẫn nên tham gia một số hoạt động ở trường với con, bởi đây là cơ hội để cha mẹ hiểu hơn về con em mình.
Trung Quốc: Người phụ nữ ly hôn 28 lần trong 2 năm để ‘lách luật’
Để “lách luật” cấp biển số xe ô tô ở Bắc Kinh, một số phụ nữ Trung Quốc đã dùng cách kết hôn và ly hôn nhiều lần để trái phép thực hiện chuyển đổi biển số.
Minh Thu (lược dịch)