Phụ nữ tuổi cao dễ mắc các bệnh đường tiểu
Bà Nguyễn Thị Len (76 tuổi, trú tại Hà Nội) được con đưa đến bệnh viện khám vì chứng rối loạn tiểu tiện, tiểu không tự chủ. Bà Len cho biết bà thường xuyên muốn đi tiểu kèm theo tiểu buốt, tiểu rắt.
Vì sợ nhiễm trùng, bà Len tự mua thuốc kháng sinh ở nhà thuốc uống nhưng không đỡ, bệnh thường xuyên tái phát. Gần đây, tình trạng tiểu không tự chủ, tiểu buốt, tiểu rắt ngày càng tăng kèm theo sốt và ớn lạnh nên bà Len được con đưa đi kiểm tra.
Xét nghiệm, bác sĩ cho biết bà Len bị nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh này hay gặp ở phụ nữ nhất là phụ nữ cao tuổi.
Cùng giống bà Len, bà Đào Thị Xuân (82 tuổi, Long Biên, Hà Nội) vào viện khám với ly do đi tiểu buốt,đau ở vùng chậu. Hàng ngày, bà Xuân thấy hay có hiện tượng tiểu gấp, đi tiểu thường xuyên, sốt hay ớn lạnh…
Đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết bà Xuân bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu tăng tốc phát triển trong bàng quang. Mặc dù hệ thống tiết niệu đã được thiết kế để ngăn chặn những “kẻ xâm lược” này, nhưng các biện pháp phòng thủ đôi khi trở nên thất bại. Khi điều đó xảy ra, vi khuẩn sẽ được giữ lại và phát triển thành các ổ viêm tại hệ tiết niệu.
BSCKI. Hồ Thị Hải Vân - chuyên khoa Nội tổng hợp; Phụ sản - Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, cho hay bệnh nhiễm trùng tiểu ở người cao tuổi nhất là phụ nữ gặp rất phổ biến. Tuy nhiên, bệnh nhân thường có tâm lý ngại đi khám vì sợ phiền hà và sợ bệnh nên âm thầm chịu đựng.
Nhiều cụ già tới khám than thở bị bệnh tái đi tái lại vài năm liền nhưng nghĩ người già lão hóa. Bác sĩ Vân cho rằng ngoài chăm sóc sức khỏe chung thì nhiễm trùng tiểu ở người già cần được quan tâm nhiều hơn.
So với nam giới, phụ nữ mắc nhiều gấp 4 lần do niệu đạo của họ ngắn hơn. Nguy cơ nhiễm trùng đưởng tiết niệu tăng theo tuổi. Hơn 1/3 các trường hợp nhiễm trùng ở viện dưỡng lão là nhiễm trùng đường tiểu. Hơn 10% phụ nữ trên 65 tuổi mắc. Tỉ lệ này tăng thêm 3% ở nhóm phụ nữ trên 85 tuổi. Nam giới cũng có xu hướng mắc bệnh tăng theo tuổi.
Nguyên nhân, theo bác sĩ Vân là do mãn kinh nên việc sản xuất estrogen của cơ thể giảm dẫn đến sự thay đổi pH âm đạo, xáo trộn sự cân bằng của vi khuẩn và nấm men âm đạo, làm tăng cơ hội nhiễm trùng. Một số phụ nữ mãn kinh bị teo cũng có thể xuất hiện những vết cắt nhỏ gần niệu đạo, khiến họ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu.
Ngoài ra, người cao tuổi cũng hay bị táo bón khiến bàng quang trống rỗng, vi khuẩn khó phát triển và gây ra hiện tượng nhiễm trùng. Do mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát, theo đó, khi đường huyết máu cao, lượng đường dư sẽ được đào thải qua đường nước tiểu. Đây là môi trường thuận lợi cho sự phát triển quá mức của vi khuẩn, dẫn đến nhiễm trùng.
Một số trường hợp nguyên nhân do nhịn tiểu quá mức, nếu nhịn tiểu 6 giờ trở lên có thể làm gia tăng bệnh vì vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang.
Một vài nguyên nhân khác như do đồ lót không thoải mái, do mắc bệnh sỏi thận và cuối cùng là do tiểu tiện trước khi "quan hệ", khiến không đủ lượng nước lưu trữ trong bàng quang để tạo ra dòng chảy mạnh, làm “tuôn” vi khuẩn ra ngoài v.v.
Nhiễm trùng tiểu nếu không được điều trị, từ nhiễm trùng tiểu có thể gây nên nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mạn tính khiến cho thận của người bệnh bị tổn thương vĩnh viễn.
Để phòng bệnh, bác sĩ Vân cho biết uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước, có thể uống nước ép nam việt quất có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu, mà không gây hại. Nên vệ sinh từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh, nên làm rỗng bàng quang của bạn ngay sau khi giao hợp và uống một cốc nước đầy để giúp loại bỏ vi khuẩn. Tránh các sản phẩm phụ nữ có khả năng gây kích ứng, có thể thay đổi phương pháp ngừa thai của bạn, bôi trơn bao cao su trước khi "quan hệ". Ở mọi trường hợp, nhiễm trùng tiểu xảy ra do vệ sinh cá nhân kém, do đó phụ nữ cần biết cách giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt để bảo vệ cơ thể khỏi bị mắc bệnh này.
Khánh Chi