Phi lý của thị trường vàng
Chênh giá cao, dân lãnh đủ!
Sau phiên đấu thầu thứ 12 đã được NHNN tổ chức sáng nay, 26/4, tổng cộng 12,6 tấn vàng được cung ra thị trường, nhưng số vàng này mới chỉ đủ để các DN kinh doanh và tổ chức tín dụng cân bằng trạng thái, chứ chưa có tác dụng cân bằng thị trường vàng. Hiện, giá vàng trong nước và thế giới vẫn cách nhau trên dưới 6 triệu đồng/lượng.
Đây cũng thời điểm Thanh tra Chính phủ tiến hành đợt thanh tra kéo dài 60 ngày về chức năng, nhiệm vụ của NHNN đối với hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay vốn bằng vàng từ thời kỳ năm 2009 đến hết tháng 3/2013 - giai đoạn thị trường vàng trong nước diễn biến bất ổn nhất.
Chia sẻvới PV Infonet, TS. Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, quyết định thanh tra NHNN về hoạt động kinh doanh vàng là cần thiết trong bối cảnh thị trường vàng vẫn còn "lộn xộn" như hiện nay.
Điều khiến chuyên gia Ngô Trí Long nghi ngại cách điều hành đối với mặt hàng vàng của cơ quan quản lý, là cơ chế điều hành thị trường mơ hồ, chưa rõ ràng của NHNN gây ra tình trạng lộn xộn, mất cân đối tài khoản vàng.
Chẳng hạn như với điều kiện tỷ lệ đặt thầu tối thiểu từ 500 đến 1000 lượng NHNN đưa ra, chỉ những DN lớn mới đủ tiềm lực tài chính để tham gia đấu thầu. Sẽ chẳng ngạc nhiên khi kết quả các phiên đấu thầu hầu hết đơn vị trúng là các tổ chức tín dụng đang có nhu cầu mua vàng để tất toán. Vì thế, mới xảy ra chuyện gia hạn tất toán vàng cho các NHTM đến 30/6/2013 sau nhiều lần điều chỉnh thời hạn.
Nhìn nhận về kết quả 11 phiên đấu thầu vàng vừa qua, ông Long tỏ ra nghi ngờ về cách "bình ổn thị trường nhưng không bình ổn giá" mà cơ quan tiền tệ khẳng định. Ví như trong khi vàng thế giới (từ 12-16/4) giảm thấp nhất trong vòng 30 năm qua thì giá vàng của Việt Nam giảm không đáng kể và cách giá thế giới tới gần 7 triệu đồng (tương đương 300 USD).
Ông đặt câu hỏi: thời điểm đó Mỹ tung 2 tấn vàng để giá vàng bám sát giá thế giới, như thế người dân Mỹ được hưởng lợi. Trong khi ở đó ở nửa bên kia bán cầu, hàng chục tấn vàng được cung ra thị trường qua đấu thầu nhưng giá trong nước vẫn "ngất ngưởng" so với thế giới.
"Hàng chục tấn vàng đó đã đi đâu? Trong khi nếu khoảng cách giá cứ kéo dài mãi sẽ chỉ có người dân là phải chịu thiệt thòi nhất" – ông nói.
Khó bình ổn thị trường vàng
"Kể từ khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, thị trường vàng chẳng những được lặp lại trật tự mà vẫn lộn xộn" – TS. Ngô Trí Long bày tỏ nỗi thất vọng khi đề cập tới câu chuyện "lùng nhùng" thị trường vàng hiện nay.
Ông Long phân tích: Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người dân giữ vàng lớn, nên khi kinh tế vĩ mô bất ổn họ sẽ tìm tới vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Do cách quản lý theo kiểu ôm đồm, "một mình một chợ" nên thị trường vàng trong nước vẫn cứ lộn xộn.
Trái với lập luận của các chuyên gia, cơ quan quản lý tiền tệ lại có cách nhìn khác đối với hoạt động này. Lãnh đạo cấp cao một vụ chức năng của NHNN đã từng khẳng định, cơ quan này chỉ bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá. Và NHNN cũng sẽ không bao cấp, không bù lỗ cho bất kỳ đối tượng nào trên thị trường.
"Tại sao bình ổn thị trường mà lại không bình ổn giá. Thị trường có mua – bán, nên cốt lõi của thị trường là giá. Đánh giá thị trường có ổn định hay không là chính thông qua chỉ tiêu giá này" – ông Long tiếp lời và cho rằng, phải nhìn nhận vàng là một bộ phận của thị trường tiền tệ để đưa ra chính sách sát thực hơn.
Thêm nữa, không có quốc gia nào lại chỉ có một thương hiệu vàng miếng duy nhất. NHTW ít nhất phải nắm giữ vài ba thương hiệu, còn DN có thương hiệu riêng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thương hiệu của mình. Thật vô lý khi tuổi vàng như nhau mà giálại chênh lệch vài ba triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân thị trường vàng trở nên khó kiểm soát, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Thị Hiền khẳng định là hệ quả của sự can thiệp hành chính quá mức của NHNN. "Đấu thầu vàng chỉ giúp các tổ chức kinh doanh vàng cân bằng trạng thái vàng chứ không nhằm cung cho thị trường. Chưa thấy cơ sở nào cho thấy mức chênh lệch giá vàng sẽ giảm, thị trường vàng sẽ bình ổn" – bà Hiền nói và tỏ ra lo ngại khi giá vàng tăng những ngày qua, nhất là thời điểm giá vàng "nhảy loạn" (từ ngày 12-16/4) đã khiến giá đồng USD cả trong hệ thống ngân hàng và ngoài thị trường tự do tăng mạnh. Đây là tín hiệu đáng lo ngại.
"Hy vọng Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra hoạt động quản lý kinh doanh vàng sẽ làm rõ được ngọn ngành: nguyên nhân thực của sự biến động giá vô lý thị trường vàng. Đấu thầu vàng đem lại lợi ích gì cho thị trường, có lợi ích nhóm trong các phiên đấu thầu vừa qua hay không?" – bà kỳ vọng.