Phát triển HTX kiểu mới phù hợp với nông nghiệp CNC, xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Điện Biên đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX; khuyến khích thành viên các HTX hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, góp phần đổi mới diện mạo nông thôn
Theo đánh giá, kết quả thực hiện phát triển KTTT đã đạt được một số chỉ tiêu đề ra. Nhiều HTX đã nỗ lực vươn lên, đổi mới về nội dung hoạt động và tổ chức; sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành nghề.
Triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; liên kết, tham gia chuỗi giá trị ở các HTX được tăng cường. Một số chính sách đối với khu vực KTTT được triển khai hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả.
Do vậy, KTTT đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò đối với kinh tế hộ và kinh tế của tỉnh trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
HTX Thanh Yên, Điện Biên thực hiện quy hoạch sản xuất, tổ chức liên kết, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thương hiệu Gạo Điện Biên |
Tính đến 30/6/2020, tổng số HTX trên địa bàn toàn tỉnh có 231 HTX(3) với 10.065 thành viên, tổng số vốn điều lệ 554.189 triệu đồng; trong số 171 HTX đang hoạt động: có 62 HTX khá, giỏi (chiếm 36,3%), 93 HTX trung bình (chiếm 54,3%) và 16 HTX yếu kém (chiếm 9,4%).
Các HTX đã trực tiếp đáp ứng nhu cầu kinh tế của thành viên; Đồng thời tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội ở địa phương như tạo việc làm và thu nhập cho các đối tượng xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện các điều kiện phúc lợi cho cộng đồng dân cư.
Các HTX còn góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn trật tự an ninh ở cơ sở, thay đổi diện mạo kinh tế địa phương theo hướng tích cực, ngày càng phát triển.
Một số HTX đã năng động mở thêm một số ngành nghề mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho thành viên. Điển hình là HTX Đồ thủ công mỹ nghệ Anh Minh, HTX sản xuất vật liệu xây dựng Hà Nam Bình, HTX vận chuyển khách, hàng hóa và dịch vụ TP Điện Biên Phủ...
Năm 2019, các HTX đang hoạt động có doanh thu bình quân ước đạt 1.685 triệu đồng (tăng 3,1% so với năm 2018); lợi nhuận bình quân ước đạt 145 triệu đồng (tăng 4,4% so với năm 2018); thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên khoảng 3,3 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,5% so với năm 2018); nộp ngân sách ước đạt 3.943 triệu đồng (tăng 8,7% so với năm 2018).
6 tháng đầu năm 2020 doanh thu bình quân của 1 HTX ước đạt 665 triệu đồng (giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019) do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Lợi nhuận bình quân của 1 HTX ước đạt 52 triệu đồng (giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2019), thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên ước đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng (giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019).
Bên cạnh đó, người lao động được đào tạo theo hướng lấy thực hành là chính, có kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề làm việc trong các thành viên hợp tác xã, thực hiện các Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã xác nhận, khẳng định vai trò của KTTT trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Liên minh HTX tỉnh đã tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX của tỉnh Điện Biên đã có nhiều khởi sắc, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Liên minh HTX tỉnh. Ông cũng lưu ý, tới đây, Liên minh HTX tỉnh cần thường xuyên tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể trong các tầng lớp nhân dân; quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng ở Trung ương và địa phương để làm tốt vai trò trách nhiệm trong phát triển kinh tế tập thể; tập trung nghiên cứu tham mưu đề xuất các giải pháp để củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể; đẩy mạnh phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện tiêu chí số 13 xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới phù hợp với nông nghiệp công nghệ cao.
Để phát triển mạnh hơn về chất, các HTX cần tham gia xây dựng các mô hình điểm về HTX kiểu mới phù hợp với nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hoạt động có hiệu quả làm cơ sở nhân rộng và thu hút người lao động gia nhập HTX. Khuyến khích các hộ nông dân, các trang trại, các thành phần kinh tế tham gia liên kết, hình thành các mô hình kinh tế hợp tác, HTX để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và phát huy vai trò là cầu nối kinh tế hộ với các doanh nghiệp và thị trường.
N.K