Pháp luật Việt Nam phòng chống tài trợ khủng bố như thế nào?
Pháp luật về chống tài trợ cho khủng bố đã khá hoàn thiện.Ảnh minh họa: VNN |
Sau khi gia nhập Nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (APG) vào tháng 5/2007, Việt Nam đã hình sự hóa hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua việc bổ sung tội danh này vào Luật Hình sự năm 2009.
Trên thực tế, trước năm 2009, Bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam mới chỉ có duy nhất một điều luật quy định về tội khủng bố (Điều 84). Theo đó, nếu đối chiếu với các quy phạm pháp luật về chống khủng bố quốc tế và của một số nước trên thế giới sẽ thấy có độ vênh rất lớn như: theo quy định tại Điều 84, tội khủng bố có dấu hiệu là nhằm mục đích “chống chính quyền nhân dân”.
Tuy nhiên, pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều nước quy định về mục đích của các hành vi khủng bố một cách tương đối rộng là “làm cho nhân dân hoảng sợ”; Đối tượng xâm hại của tội phạm khủng bố theo quy định tại Điều 84 Bộ luật Hình sự chỉ có thể là con người (tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tinh thần) nhưng theo luật quốc tế, ngoài đối tượng xâm hại chủ yếu là con người, tội phạm khủng bố còn có thể tấn công vào các mục tiêu khác có thể là các cơ sở kinh tế chiến lược, các cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt của các quốc gia…
Ngoài những hành vi khách quan được quy định tại Điều 84 Bộ luật Hình sự, pháp luật Việt Nam lúc bấy giờ coi hành vi tài trợ cho khủng bố là đồng phạm với tội khủng bố (với vai trò giúp sức). Trong khi đó, pháp luật quốc tế đã coi hành vi tài trợ cho khủng bố cũng là một trong các hành vi trực tiếp khủng bố….
Trong Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2009, đã bổ sung thêm hai điều luật tài trợ cho khủng bố, đó là Điều 230a tội khủng bố và Điều 230b tội tài trợ cho khủng bố.
Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước... số 06/2012 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội khủng bố và tội tài trợ khủng bố quy định rõ:
Về tội tài trợ khủng bố (Điều 230b)
Về mặt chủ quan, hành vi phạm tội tài trợ khủng bố được thực hiện với lỗi cố ý; động cơ, mục đích của hành vi tài trợ khủng bố không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Mặt khách quan của tội tài trợ khủng bố được biểu hiện ở hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố. Hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản được thực hiện dưới các hình thức tặng, cho, cho vay, mượn tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc dưới bất kỳ hình thức nào bao gồm cả việc vận động, kêu gọi, hỗ trợ cung cấp tiền, tài sản cho tổ chức khủng bố hoặc cá nhân khủng bố.
Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản, bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản.
Huy động, hỗ trợ tiền, tài sản quy định tại khoản 1 Điều 230b Bộ luật hình sự phải không nhằm giúp sức cho việc thực hiện các hành vi khủng bố cụ thể mới cấu thành tội tài trợ khủng bố.
Trường hợp huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố nhằm giúp sức cho việc chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện một hoặc một số vụ khủng bố cụ thể thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 84 hoặc tội khủng bố quy định tại Điều 230a Bộ luật hình sự với vai trò là đồng phạm nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm đó.
Nếu không biết trước, mà huy động, hỗ trợ tiền, tài sản để giúp cá nhân khủng bố bỏ trốn sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che dấu tội phạm quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.
Nguyên tắc áp dụng pháp luật:
Việc điều tra, truy cố, xét xử đối với tội khủng bố và tội tài trợ khủng bố phải tuân thủ quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, hướng dẫn của Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan; trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.
Trong nỗ lực hoàn thiện luật pháp nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố, tháng 6/2012, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống rửa tiền. Luật này đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013. Trong đó, một trong những đối tượng điều chỉnh của luật này là việc chống rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố. Cụ thể khoản 2, Điều 1 Luật này ghi rõ: "Việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của Bộ luật Hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố".
Xét thấy sự cần thiết phải ban hành một văn bản luật có hiệu lực đủ mạnh trong lĩnh vực phòng chống khủng bố, ngày 12/6/2013, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố với 51 điều, 8 chương. Trong đó, hành vi tài trợ cho khủng bố đã được quy định khá cụ thể và có sự tham khảo theo chuẩn mực quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố quốc tế.
Trước đó, chúng ta cũng đã có Chỉ thị số 25/2007/CT-TTg ngày 15/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống khủng bố ở trong tình hình mới; Quyết định số 1953/2006/QĐ-BCA ngày 12/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tạm thời về phương án xử lý tình huống khủng bố thường xảy ra...