Phá dỡ nhà 8B Lê Trực: Sẽ kiểm tra, không đúng điều kiện phải dừng!
Bỏ hàng tỷ đồng để mua một căn hộ tại dự án nhưng mãi đến nay vẫn chưa được ở. Công trình vi phạm lại đang phá dỡ đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết cấu, tuổi thọ khiến hàng trăm người mua nhà tại 8B Lê Trực đang rất lo lắng như “ngồi trên đống lửa".
Sáng nay (18/3), hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã có buổi đối thoại với Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên để phản ánh về tình trạng tháo dỡ tòa nhà.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, một khách hàng mua căn hộ tại dự án cho biết, gia đình bà tích cóp cả đời mới mua được căn hộ này nhưng công trình còn phải xử lý trong thời gian lâu dài, tiền thì đã đóng 90% nhưng biết chờ đến bao giờ mới có nhà để ở.
“Chúng tôi sẽ viết đơn gửi trực tiếp lên thanh tra xây dựng để cơ quan chức năng có phương án phá dỡ sao cho hợp lý. Phá dỡ cũng phải tính toán cụ thể như thế nào, nếu để như tình trạng hiện này thì chất lượng nhà của chúng tôi sẽ ảnh hưởng lớn. Lỗi ở chủ đầu tư và nhà quản lý, còn dân chúng tôi là người vô tội, chỉ biết bỏ tiền để mua một chỗ ở. Chẳng may thời gian nữa, vì phá dỡ không đúng kỹ thuật gây ảnh hưởng nhà chúng tôi bị hỏng thì người dân chúng tôi biết kêu ai?”, bà Xuân nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Sỹ Duyên (khách mua nhà tại dự án) cũng cho rằng, hiện cơ quan chức năng chưa đưa ra được phương án phá dỡ tối ưu, đảm bảo an toàn cho những vị trí không sai phạm, mà vẫn đập dỡ sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm người mua nhà tại dự án.
“Tôi đã gần 70 tuổi đời, là thương binh, tiền thương tật không được nhiều, cả nhà tôi phải chắt chiu, mượn bạn bè anh em mới mua được 1 căn hộ để ở nhưng chờ phá dỡ thế này thì đến khi nào chúng tôi mới có nhà đây?”, ông Duyên đặt câu hỏi.
Và ông Duyên đề nghị, cơ quan chức năng phải đưa ra phương án phá dỡ cụ thể. “Đề nghị chủ đầu tư báo cáo ngay với TP Hà Nội, cơ quan xây dựng kiểm tra ngay để đưa ra một phương án tháo dỡ cụ thể. Nếu chưa có thì phải dừng lại, để dân chúng tôi yên lòng. Không chỉ riêng tôi mà tất cả mấy trăm hộ dân mua căn hộ ở đây đang ngồi trên đống lửa. Ai làm sai phải bị xử lý, nhưng quyền lợi của người dân mua nhà chúng tôi cũng cần được bảo vệ. Chúng tôi đề nghị Bộ Xây dựng xem xét xử lý”, ông Duyên bức xúc nói.
Người dân mua nhà đối thoại trực tiếp với Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng |
Theo chia sẻ của ông Vũ Văn Cảnh thì gia đình ông có hợp đồng mua nhà tại dự án. Đến nay, gia đình ông Cảnh đã đóng gần hết tiền, chuẩn bị nhận bàn giao căn hộ. Chưa kịp vui thì đột nhiên gia đình ông Cảnh nhận được thông tin dự án phải dừng lại để phá dỡ phần sai phạm nên không biết khi nào mới được bàn giao nhà để ở.
“Chúng tôi đề nghị cơ quan nhà nước xem xét để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đây cũng chính là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng để những người mua nhà như chúng tôi nhanh chóng có chỗ ở ổn định”, ông Cảnh kiến nghị.
Trao đổi với các hộ dân, ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định: “Tòa nhà 8B Lê Trực do UBND quận Ba Đình ra quyết định cưỡng chế, do vậy khách hàng nên kiến nghị lên UBND quận Ba Đình. Và Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng phải có trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại”.
Theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, một công trình không phải cái kim, nên không thể nói rằng không ai biết gì. Để tình trạng này xảy ra cho thấy công tác quản lý xây dựng rất buông lỏng, để hậu quả rất lớn về mặt xã hội nên Hà Nội cũng phải có trách nhiệm giải quyết, phải xử lý nghiêm để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Chia sẻ với nỗi lo của người dân mua nhà, ông Yên cho biết sẽ báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, sau đó để UBND TP Hà Nội giải quyết. Phá dỡ phải có phương án phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, và đơn vị phá dỡ phải có chuyên môn. “Chúng tôi sẽ chuyển đơn này để Hà Nội kiểm tra ngay, nếu không đúng điều kiện thì phải dừng”, ông Yên nói.
Công trình bị phá dỡ sẽ không đảm bảo an toàn
Nói về những tác động ảnh hưởng đến chất lượng khi phá dỡ công trình, nhất là đối với nhà cao tầng, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Lương Bình,(Công ty CP tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng CONINCO) cho biết:
Nhà cao tầng Việt Nam thường áp dụng giải pháp hệ kết cấu khung giằng, hệ thống vách lõi cứng chịu chủ yếu tải trọng ngang và có khả năng phân tán năng lượng lớn, hệ khung chủ yếu chịu tải trọng thẳng đứng. Hơn nữa, phần lớn nhà cao tầng cũng nằm lẫn trong các khu dân cư, xung quanh là nhà thấp tầng hoặc trong khu nhà cao tầng.
Do vậy, việc thực hiện phá dỡ phần công trình vi phạm là rất khó khăn và phức tạp. Theo tính toán, hệ kết cấu chịu lực chính của công trình được thiết kế thường là kết cấu bê tông cốt thép toàn khối, liên kết chặt chẽ tạo thành một hệ khung không gian ổn định. Do vậy, công trình sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí không đảm bảo an toàn trước tác động của các loại tải trọng nếu cục bộ một cấu kiện hay bộ phận nào mất khả năng chịu lực hoặc bị biến dạng và chuyển vị..
Với tính chất của bê tông, khi phá dỡ các chấn động và rung động, chắc chắn sẽ làm om kết cấu bê tông cốt thép phần dưới, các cốt liệu bị rời rạc, cấu trúc bê tông cũng bị phá hủy. Bên cạnh đó, lượng thép trong kết cấu bê tông là dày và nhiều nên việc phá dỡ sẽ làm giảm khả năng liên kết thép, bê tông.
Về cấu tạo, việc phá dỡ cũng dẫn đến các cấu tạo sai khác so với ban đầu. Các nút khung, các nút liên kết giữa cột vách và dầm nối ở các vách cứng hay lõi cứng là những vị trí tập trung nội lực lớn. Khi phá dỡ sẽ xảy ra hư hỏng cục bộ. Trong phá dỡ, sẽ để lại kết cấu thừa, đây là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn chịu lực và thẩm mỹ kiến trúc.
Đối với công trình đã thi công xong cả phần lắp đặt thang máy, thiết bị, mặt dựng… thì kéo theo nhiều phức tạp hơn. Các đường ống, dây dẫn của các hệ thống kỹ thuật gắn hay đi ngầm trong công trình sẽ bị ảnh hưởng mà không kiểm soát được sẽ phải tháo dỡ toàn bộ trước khi thi công tháo dỡ, nếu không có thể gây ra sự cố đáng tiếc. Thay đổi về mặt bằng, mặt đứng cộng với các yếu tố trên có thể sẽ ảnh hưởng đến giải pháp phòng chống cháy cho công trình. Đặc biệt, cần đảm bảo an toàn lao động và môi trường đối với các nhà cao tầng ngay sát khu dân cư phía dưới.