Nữ sinh viên với dự án đưa loại “nấm vua” đến gần hơn với đông đảo người tiêu dùng
Nữ sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam ước mơ sản xuất hàng loạt, đưa giá thành sản phẩm nấm mối trắng tiệm cận với nhiều người dân Việt hơn.
Với dự án “Nuôi trồng nấm mối trắng”, Nguyễn Minh Xuân, cô sinh viên năm 2 Khoa Nông học, Học viện NN Việt Nam đến từ thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã giành giải quán quân cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2021”
Cuộc thi do Học viện NNVN tổ chức vừa diễn ra vòng chung kết vào tối 5/12 vừa qua.
Rất hào hứng sau khi bước lên bục vinh quang, Minh Xuân chia sẻ về lý do bắt tay thực hiện dự án này. Minh Xuân cho biết, nấm mối trắng được coi là một sản phẩm nổi bật trong việc cung cấp dinh dưỡng (đặc biệt là kẽm) cũng như các giá trị về y học để phòng trừ và điều trị một số các bệnh như ngăn ngừa ung thư, điều hòa kinh nguyệt cho phụ nữ, tăng sức đề kháng, giúp chắc khỏe xương, giảm liều lượng tiểu đường, thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng,...
Thông thường trong 100g nấm trắng có tới 76% protein, 14% chất béo và 10% carb. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không chỉ sở hữu hàm lượng đạm và chất béo cao, nấm mối còn chứa rất nhiều khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như canxi, sắt.
Bên cạnh đó, theo thông tin được cung cấp bởi một tạp chí Trung y lâm sàng, loại nấm này còn sở hữu những dưỡng chất vô cùng quý giá từ nước bọt mối chúa và một số vi sinh vật khác. Đây chính là những dưỡng chất mà khó có loài thực vật lai tạo nào có được.
Đáng lưu ý, mặc dù đây là loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng tại Việt Nam hiện nay nấm mối trắng chưa được nuôi trồng mà chỉ thu lấy hoàn toàn từ thiên nhiên.
Trong khi đó, với đặc điểm thường chỉ xuất hiện một đợt trong năm, kéo dài khoảng hơn 1 tháng, bắt đầu từ tháng 5 (âm lịch), sau những cơn mưa đầu mùa cho đến tháng 6 âm lịch, rộ nhất là thời điểm Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5).
Hơn thế nữa, loại nấm này chỉ có ở một số tỉnh Tây Nguyên và nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ nước ta nên rất quý hiếm và càng ngày càng ít đi mỗi năm.
Minh Xuân cũng cung cấp thêm thông tin, tại TP Hồ Chí Minh, hiện cũng có khoảng 10 cơ sở trồng nấm mối trong phòng lạnh. Các cơ sở này chỉ mới trồng nấm mối khoảng 1 - 2 năm nay và đang trong quá trình thăm dò thị trường.
Cụ thể, tại xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), ông Hai Tấn (Trần Văn Tấn) cho hay với hơn 6.000 bịch phôi nấm trong xưởng hiện nay, mỗi ngày ông Hai Tấn thu được gần 20kg nấm mối. Theo ông Hai, với sản lượng này, cơ sở không đủ cung cấp cho thị trường.
Tương tự, tại HTX Thảo Nguyên Xanh, chị Thảo cho biết, mỗi ngày HTX mới chỉ thu được khoảng 10kg “nấm vua”. Hàng ngày HTX phải mua thêm nấm mối từ các trang trại vệ tinh mới đủ cung cấp cho thị trường.
“Tuy nhiên loại nấm mà các cơ sở này đang nuôi trồng đều chỉ là loại nấm mối đen có giá trị dinh dưỡng và giá trị y học ít hơn nấm mối trắng. Tính đến thời điểm hiện tại thì chưa thể nhân giống và nuôi trồng ở Việt Nam, vì vậy nhu cầu về loài nấm này chưa được đáp ứng.
Có thể coi nấm mối trắng có thể là một sản phẩm mà nhiều khách hàng đang “săn lùng” đặc biệt là các khách hàng cao tuổi, các khách hàng có các bệnh trên và các chị em phụ nữ nhưng chưa đủ số lượng để đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng”, Minh Xuân cho hay.
Đó chính là lý do mà cô sinh viên nhỏ nhắn nhìn thấy tiềm năng, lợi thế của loại “nấm vua”này và dự án này theo nữ sinh viên là cần thiết.
Điểm đặc biệt trong dự án của Minh Xuân là bằng cách nuôi nấm trong môi trường thiên nhiên theo mô hình công nghiệp, các kỹ sư nông học sẽ tạo ra số lượng sản phẩm nhiều, đồng thời kèm theo chất lượng nhằm phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.
“Việc sản xuất ra nhiều sản phẩm thì giá thành của nấm mối trắng này sẽ tiếp cận được với nhiều khách hơn vì giá thành sẽ không còn quá đắt, đáp ứng với nhu cầu của thị trường hiện nay về loại nấm này.
Mặt khác với tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu hiện nay ảnh hưởng rất nhiều tới các sản phẩm được mọc từ thiên nhiên nên dự án này còn đặc biệt giúp bảo tồn và duy trì giống Nấm mối trắng không bị mất đi”, Minh Xuân cho hay.
Minh Xuân tự tin cho biết với dự án “Nuôi trồng Nấm mối trắng Termitomyces albuminosus” khi được triển khai và đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ tạo ra hơn 30 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động từ có tay nghề kỹ thuật cao cho tới lao động phổ thông, lao động trực tiếp làm việc tại trang trại với số lượng có thể đạt 20 lao động, lao động làm việc trong khâu vận chuyển hàng, làm việc tại các siêu thị mini.
Ngoài ra dự án còn tạo ra công việc gián tiếp cho người lao động thông qua các mô hình hợp tác tại các đơn vị phân phối, giúp tạo ra công việc ổn định, với mức thu nhập cao giải quyết vấn đề cho người lao động ở địa phương.
Đồng thời góp phần nâng cao giá trị của nông sản Việt, từng bước tạo dựng lại niềm tin cho người tiêu dùng hướng tới việc mọi người dân đều có nhu cầu và có thể sử dụng thực phẩm chất lượng, có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên vì sức khoẻ của toàn thể đồng bào và dân tộc.
N. Huyền